Theo tờ The Diplomat, các động thái ban đầu của “ngoại giao vaccine” đã được Trung Quốc phát động. Mở rộng chiến dịch “ngoại giao khẩu trang” trước đó, một số nhà sản xuất dược liệu hàng đầu của Trung Quốc cam kết rằng ASEAN sẽ tiếp cận loại vaccine an toàn và hiệu quả của nước này. Nhà sản xuất dược phẩm thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc Sinovac thông báo đã hợp tác với PT Bio Farma của Indonesia để phát triển việc phân phối một loại vaccine hiện đang được thử nghiệm.
Philippines cũng đã được đề nghị tiếp cận sớm với vaccine của Trung Quốc và Malaysia hiện đang đàm phán để đạt được thỏa thuận tương tự... Bất chấp những đảm bảo gần đây của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị rằng bất kỳ loại vaccine Covid-19 nào sản xuất tại Trung Quốc sẽ được cung cấp dưới dạng “hàng hóa công cộng toàn cầu”, có nhiều lý do để chính phủ các nước Đông Nam Á phải thận trọng. Nhiều lo ngại cho rằng Bắc Kinh có thể sử dụng lời hứa tiếp cận vaccine để đổi lấy sự nhượng bộ trong các vấn đề quan trọng, từ việc Trung Quốc xây đập gây tranh cãi ở thượng nguồn sông Mê Công đến các tuyên bố chủ quyền hàng hải và lãnh thổ rộng lớn ở Biển Đông.
Không chỉ Trung Quốc, khu vực ASEAN cũng sẽ được hưởng lợi từ sự cạnh tranh gay gắt mà chiến dịch “ngoại giao vaccine” của Bắc Kinh mang đến. Cuối tháng 8, Chính phủ Australia tuyên bố đầu tư 58 triệu AUD vào liên minh vaccine GAVIinternational, giúp điều phối chương trình của liên minh vaccine toàn cầu COVAX được thiết kế để đảm bảo khả năng tiếp cận nhanh chóng và công bằng trên toàn cầu đối với vaccine Covid-19. Cụ thể, khoản thanh toán trước của Canberra nhằm đảm bảo khả năng tiếp cận vaccine cho Indonesia, Campuchia, Lào, Myanmar, Philippines, Timor Leste và Việt Nam cùng 8 quốc đảo Thái Bình Dương. Cam kết của Australia với các nước Đông Nam Á được đưa ra trong bối cảnh nước này ngày càng lo lắng về ảnh hưởng của Trung Quốc ở Đông Nam Á và Thái Bình Dương.
Nga gần đây cũng đã phê duyệt việc phân phối hạn chế vaccine Covid-19 được đặt tên là Sputnik V. Việt Nam đã cam kết mua 150 triệu liều Sputnik V. Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte cũng đề nghị được tự mình tiêm loại vaccine mới của Nga.
So với các nước, Mỹ có vẻ đi chậm hơn so với dự kiến. Chính quyền Tổng thống Donald Trump đã áp dụng cách tiếp cận “nước Mỹ trên hết” đối với vaccine Covid-19. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thời gian để Mỹ đảo ngược tình thế. Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế có trụ sở tại Washington gần đây chỉ ra, sau khởi đầu chậm chạp trong việc hỗ trợ liên quan đến đại dịch cho Đông Nam Á, Washington đã nhanh chóng bắt kịp các nỗ lực của Bắc Kinh.
Hồi tháng 6, Washington đã tăng gấp 4 lần cam kết tài trợ phòng chống Covid-19 cho Đông Nam Á, từ 18 triệu USD lên 77 triệu USD, khiến nước này trở thành quốc gia tài trợ lớn nhất cho khu vực, ít nhất là về giá trị tiền tệ. Tất cả cho thấy, Mỹ - nơi các công ty dược phẩm hiện đang thử nghiệm một số loại vaccine tiềm năng - cũng sẽ trở thành đối tác quan trọng của các nước Đông Nam Á trong việc đảm bảo quyền tiếp cận vaccine quan trọng này.