Báo cáo kết quả triển khai công tác ngoại giao vaccine, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, về vaccine, ở thời điểm đợt dịch thứ tư bùng phát (ngày 27-4-2021) mới có 320.000 liều vaccine được tiêm; nhưng sau nhiều nỗ lực đàm phán, ngoại giao, đến giữa tháng 10-2021, đã tiếp nhận 97,5 triệu liều.
Với tỷ lệ bao phủ tiêm vaccine tăng nhanh, nên ngay từ tháng 10-2021, nước ta đã chủ động chuyển trạng thái sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.
Đến tháng 9-2022, Việt Nam đã nhận tổng số hơn 258 triệu liều, trong đó nguồn viện trợ đạt gần 120 triệu liều, chiếm gần 50% số vaccine tiếp nhận được là từ sự trợ giúp của COVAX cũng như trên 30 nước cung cấp cho Việt Nam qua COVAX và qua kênh song phương, dưới nhiều hình thức đa dạng, tiết kiệm cho ngân sách nhà nước hơn 900 triệu USD (tương đương gần 23.000 tỷ đồng).
Về thiết bị y tế, hơn 30 quốc gia, vùng lãnh thổ, các tổ chức quốc tế và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đã hỗ trợ thiết bị y tế với tổng trị giá khoảng 80 triệu USD (tương đương 2.000 tỷ đồng).
Từ một nước có tỷ lệ tiêm chủng rất thấp, Việt Nam đã xoay chuyển tình thế, đạt kỳ tích “đi sau về trước” trong triển khai chiến lược vaccine.
Đến hết năm 2021, Việt Nam đã đạt trên 70% dân số được tiêm đủ liều cơ bản vaccine phòng Covid-19, về đích trước 6 tháng so với mục tiêu Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo; tháng 3-2022, Việt Nam trở thành 1 trong 6 quốc gia có tỷ lệ bao phủ vaccine cao nhất thế giới.
Thành công của công tác ngoại giao vaccine có ý nghĩa chiến lược về nhiều mặt. Ngoại giao vaccine thực sự là một "chiến dịch" ngoại giao đặc biệt, chưa có tiền lệ, để lại nhiều bài học giá trị cả về lý luận và thực tiễn.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao cho rằng, phát huy những bài học kinh nghiệm từ thành công của công tác ngoại giao vaccine, Bộ Ngoại giao sẽ phối hợp với các bộ ngành đẩy mạnh "chiến dịch" ngoại giao kinh tế với phương châm "quyết liệt, mạnh dạn, đột phá, thực chất, hiệu quả, khai thác và tranh thủ mọi cơ hội cho phát triển đất nước".
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, với tinh thần đặt sức khỏe, tính mạng người dân lên trên hết, trước hết; vaccine tốt nhất là vaccine được tiêm sớm nhất, chúng ta đã có những quyết định, hành động kịp thời, quyết liệt và chưa có tiền lệ. Để có được vaccine sớm nhất, nhiều nhất, chúng ta đã thực hiện đồng bộ các biện pháp ngoại giao vaccine và bằng mọi hình thức như gặp gỡ, điện đàm, gửi thư, chuyển thông điệp…
Chúng ta đã tiếp cận từ mọi góc độ, từ song phương đến đa phương, từ cấp Chính phủ đến các tổ chức quốc tế, các tập đoàn sản xuất vaccine…; áp dụng mọi biện pháp, từ viện trợ, đến mua lại, mua trước, vay trước, ứng trước. Các cấp lãnh đạo Việt Nam đã tích cực “chắt chiu” từng cơ hội, vận động mua, xin chuyển nhượng và giao đúng hạn từng liều vaccine giúp đất nước thực hiện mục tiêu miễn dịch cộng đồng, thể hiện tinh thần đoàn kết, không để ai bị bỏ lại phía sau, trong khi nguồn vaccine trên thế giới khan hiếm.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhắc lại cách đây hơn 1 năm, ngày 11-10-2021, thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị và Nghị quyết 30 của Quốc hội, Chính phủ ban hành Nghị quyết 138 về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19, chuyển trạng thái từ "zero Covid", phòng chống dịch bằng các biện pháp hành chính sang phòng chống dịch bằng các biện pháp chuyên môn, nhất là vaccine.
Thực tế đã chứng minh việc chuyển hướng này đúng và kịp thời, kinh tế từ tăng trưởng âm hơn 6% trong quý 3-2021 đã đạt tăng trưởng dương ở quý tiếp theo và quý sau cao hơn quý trước, dịch bệnh được kiểm soát.
Trước khi ban hành Nghị quyết 138, chúng ta đã ban hành và thực hiện chiến lược vaccine với 3 nội dung chính: thành lập quỹ vaccine; triển khai ngoại giao vaccine với việc thành lập tổ ngoại giao vaccine do Bộ trưởng Ngoại giao làm Tổ trưởng, Bộ Ngoại giao là nòng cốt; tổ chức chiến dịch tiêm chủng vaccine miễn phí cho người dân với quy mô lớn nhất từ trước tới nay. Kết quả cho thấy, Việt Nam đã thực hiện thành công Chiến lược vaccine trong bối cảnh nguồn cung vaccine hạn chế, tiếp cận vaccine rất khó khăn.
Thủ tướng cho rằng, những bài học kinh nghiệm quý không chỉ áp dụng cho công tác ngoại giao vaccine mà cần tiếp tục mở rộng sang lĩnh vực ngoại giao kinh tế, triển khai Chỉ thị số 15-CT/TW 2022 của Ban Bí thư về công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước đến năm 2030. Mục tiêu là tận dụng và phát huy hiệu quả mọi cơ hội, tiềm lực và các công cụ phục vụ phục hồi nhanh và phát triển bền vững.