Ngoại giao nông nghiệp

Được phát động vào năm 2013, dự án Con đường tơ lụa mới bao gồm khía cạnh nông nghiệp cho phép đẩy nhanh chiến lược an ninh lương thực của Trung Quốc.

Với việc tạo ra các trang trại hình mẫu, đầu tư và hợp tác khoa học, Bắc Kinh đang áp dụng chính sách ngoại giao gây ảnh hưởng của mình vào thực tiễn và nhất là đang tìm kiếm các đồng minh chính trị mới. Điều này có thể thấy rõ qua các dự án của Trung Quốc ở khu vực Trung Đông. Quan hệ giữa Trung Quốc và Trung Đông tập trung vào mua bán dầu khí. Trung Đông là nguồn cung cấp lớn nhất cho Trung Quốc. Với thực tế này, Bắc Kinh mong muốn duy trì mối liên kết đặc quyền với các cường quốc trong khu vực thông qua hợp tác nông nghiệp.

Tuy nhiên, theo trang mạng areion24.news của Pháp, thương mại nông nghiệp giữa Trung Quốc và Trung Đông bị hạn chế vì không có liên minh. Do đó, Trung Quốc sử dụng đến “lá bài” chuyển giao công nghệ với mục tiêu giúp các nước trong khu vực cải thiện mức độ an ninh lương thực và tăng năng lực sản xuất nông nghiệp. Năm 2015, Trung tâm chuyển giao công nghệ nông nghiệp Trung Quốc - Arab đã được thành lập tại Ninh Hạ.

Năm 2022, tại Hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc - Arab, các quốc gia Arab đã cam kết thành lập 5 phòng thí nghiệm chung cho ngành nông nghiệp hiện đại và thực hiện 50 dự án hợp tác kỹ thuật thí điểm. Từ năm 2005-2017, tổng vốn đầu tư của Trung Quốc vào Israel là 13,2 tỷ USD, mà 1/3 trong số này (4,4 tỷ USD) nhắm vào lĩnh vực nông nghiệp… Có thể nói, với Trung Quốc, Trung Đông không phải là khu vực cung cấp những mặt hàng mà Bắc Kinh đang thiếu hụt, cũng không phải là khu vực để họ phát triển xuất khẩu nông nghiệp.

Chính sách ngoại giao nông nghiệp của Trung Quốc hướng Trung Đông như một đối tượng chính trị nhiều hơn, bằng cách cải thiện hình ảnh và thắt chặt mối quan hệ với những nơi mà sự hiện diện của Bắc Kinh vẫn còn nhạt. Đây cũng là nơi quốc gia châu Á có các mối quan tâm thương mại mạnh mẽ, nhất là về năng lượng.

Tin cùng chuyên mục