Trong một bài phát biểu mới đây có tựa đề “Những thách thức của Thái Lan: Làm thế nào để phát triển trong bối cảnh bất ổn địa chính trị gia tăng”, Ngoại trưởng Thái Lan Parnpree Bahiddha-Nukara cho biết, Chính phủ nước này theo đuổi chính sách ngoại giao kinh tế nhằm nâng cao khả năng thương lượng của Bangkok, cũng như tạo sự cân bằng trong quan hệ với các nước.
Du khách tham quan Hoàng cung ở Bangkok, Thái Lan. Ảnh: AFP/TTXVN |
Theo ông Parnpree, chính sách ngoại giao kinh tế của Thái Lan được thiết kế để ứng phó với những thách thức nảy sinh từ sự cạnh tranh địa chính trị và địa kinh tế leo thang. Chính sách này hướng tới tương lai, bao trùm mọi khía cạnh nhằm tạo thu nhập và giải quyết các vấn đề cho người dân; đưa nước này thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình và tạo môi trường thuận lợi để đối phó với các thách thức. Từ đó, giúp đa dạng hóa nền kinh tế thông qua hỗ trợ nhiều hơn cho kinh tế xanh, số hóa và nông nghiệp bền vững.
Để chính sách trên có hiệu quả, theo ông Parnpree, Thái Lan không chỉ cần tiếp tục mối quan hệ chặt chẽ với các đối tác kinh tế, thương mại truyền thống như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ, mà cả với các đối tác khác như Hàn Quốc, ASEAN, Australia, Liên minh châu Âu (EU), Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất và Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Thái Lan cũng nhấn mạnh, các nước láng giềng vẫn là ưu tiên hàng đầu của Bangkok. Trong chuyến thăm của Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin tới Campuchia gần đây, hai nước đã thảo luận về hợp tác song phương toàn diện.
Ông Parnpree cũng cho biết, Thái Lan sẽ đẩy nhanh hoàn tất đàm phán các hiệp định thương mại tự do, nhất là với EU, đồng thời mở rộng hợp tác kinh tế với các nước là thành viên của các diễn đàn mà Thái Lan khởi xướng như Đối thoại hợp tác châu Á, Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady - Chao Phraya - Mekong và Sáng kiến Vịnh Bengal về hợp tác kinh tế và kỹ thuật đa ngành. Với ASEAN, Thái Lan mong muốn một hiệp hội vững mạnh, đoàn kết, là trung tâm của hợp tác…
Giới quan sát nhận định, việc Thái Lan khẳng định sử dụng ngoại giao kinh tế để kịp ứng phó với các thách thức trên thế giới đã thể hiện sự sẵn sàng của quốc gia Đông Nam Á trong việc đóng vai trò giải quyết những thách thức mà nhân loại đang phải đối mặt, chẳng hạn như biến đổi khí hậu.