Ngoại giao kinh tế phải phát huy tối đa thế và lực, tranh thủ điều kiện quốc tế

Sáng 21-12, phiên toàn thể ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước trong khuôn khổ hội nghị ngoại giao lần thứ 32, với chủ đề “Phát huy vai trò tiên phong, xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại, vững mạnh, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng”, đã diễn ra tại Hà Nội.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Nam
  • Nữ miền Nam
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Bắc

Phiên họp được tổ chức dưới hình thức trực tiếp, kết hợp trực tuyến.

Tới dự có Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, tập đoàn lớn; các đại sứ, trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài...

2-7855.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự phiên toàn thể ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước. Ảnh: QUANG PHÚC

Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, trong thành tựu chung to lớn của công tác đối ngoại, có đóng góp rất quan trọng của ngoại giao kinh tế.

Bộ trưởng cho rằng, các xu hướng mới về chuyển đổi số, chuyển đổi xanh cùng sự phát triển mạnh mẽ của KHCN và cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đang mở ra cơ hội lớn để nước ta có thể đón đầu, phát triển vượt lên và tiến cùng thời đại.

Yêu cầu đặt ra đối với công tác ngoại giao kinh tế là làm sao phát huy tối đa thế và lực mới của đất nước, tranh thủ tốt các điều kiện quốc tế thuận lợi và các xu thế phát triển của thế giới, khơi dậy mạnh mẽ sức mạnh dân tộc kết hợp hiệu quả các nguồn lực bên ngoài, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện và hiệu quả, góp phần thực hiện thắng lợi tầm nhìn, mục tiêu phát triển đất nước.

1-6814.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính tham quan gian trưng bày tại phiên toàn thể ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước. Ảnh: QUANG PHÚC

Tại hội nghị, Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Nguyễn Quốc Dũng cho biết, triển vọng kinh tế thế giới không mấy khả quan, dự báo chỉ phục hồi nhẹ vào năm 2024. Tuy nhiên, kinh tế thế giới đang chứng kiến những xu hướng phát triển mới mà tất cả các quốc gia, địa phương, doanh nghiệp trên toàn cầu phải thích ứng mạnh mẽ.

Đồng chí Nguyễn Quốc Dũng chỉ ra ba xu hướng nổi trội mà chính phủ và doanh nghiệp Hoa Kỳ đang hết sức quan tâm, trong đó, doanh nghiệp đang tiếp tục dịch chuyển chuỗi cung ứng, sản xuất tới các quốc gia thân thiện, nội khối; tăng khả năng tự lực, tự cường trong nước để tăng khả năng ứng phó. Cùng với đó, xu hướng xanh hóa gắn với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, đảm bảo an ninh lương thực, an ninh năng lượng. Kinh tế số, chuyển đổi số sẽ trở thành công cụ hỗ trợ, nâng cao năng lực chống chịu, hạn chế đứt gãy chuỗi cung ứng, tăng hiệu suất chất lượng hiệu quả, đây cũng là động lực tăng trưởng mới bao trùm và bền vững hơn.

1-1093.jpg
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trao đổi với các đại biểu. Ảnh: QUANG PHÚC

Hiện tại, nhiều doanh nghiệp Hoa Kỳ quan tâm các lĩnh vực mới nổi như năng lượng tái tạo, chất bán dẫn, năng lượng xanh… Đáng chú ý, doanh nghiệp Hoa Kỳ có xu hướng hợp tác, đi cùng nhau để tạo một quần thể hệ sinh thái hoàn chỉnh, thuận lợi về cơ sở hạ tầng, logistics, nguồn nhân lực, năng lượng, phong phú, ổn định…

Trong khi đó, Đại sứ Việt Nam tại Vương quốc Bỉ, Trưởng phái đoàn Việt Nam tại Liên minh châu Âu (EU) Nguyễn Văn Thảo nhấn mạnh, Việt Nam với EU còn nhiều dư địa thúc đẩy hợp tác hơn nữa. Việt Nam cần đề ra giải pháp phù hợp, tận dụng tối đa tiềm năng, cơ hội, vượt qua thách thức, đạt hiệu quả cao nhất sự hợp tác với đối tác EU. Hiện nay, Bộ Ngoại giao đang thực hiện các khâu cuối cùng trong đề án phát triển hợp tác với EU đến năm 2030, sẽ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong thời gian tới.

“Với một đối tác quan trọng như EU, chúng ta cần mạnh mẽ thúc đẩy hợp tác. Tuy nhiên, để đạt hiệu quả trong từng giai đoạn, Việt Nam phải chọn các lĩnh vực trọng điểm để tạo tác động lan tỏa. Với nhiệm vụ ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển, từ góc độ địa bàn EU, chúng tôi xin kiến nghị đưa hợp tác bảo vệ môi trường và biến đổi khí hậu thành lĩnh vực hợp tác trọng điểm giữa hai bên trong thời gian tới”, Đại sứ Nguyễn Văn Thảo nêu.

Gần đây, EU đã ban hành một loạt chính sách mới, như về carbon, về trách nhiệm giải trình. Những chính sách này sẽ có tác động mạnh mẽ đến xuất khẩu Việt Nam, nhất là các ngành lớn như dệt may, da giày… Vì thế, lựa chọn tốt nhất là Việt Nam chủ động thích ứng, hợp tác EU trong lĩnh vực này. Đây là hướng tốt nhất để doanh nghiệp thích ứng với quy định mới của EU, tăng sức cạnh tranh.

Đại sứ Nguyễn Văn Thảo nhấn mạnh, hợp tác về môi trường và biến đổi khí hậu là xu thế của thế giới, không thể cưỡng lại. Trước mắt, EU ban hành các quy định này, tới đây sẽ là Mỹ, Nhật, Trung Quốc. Nếu Việt Nam đi trước sẽ có cơ hội, tạo lợi thế cạnh tranh. EU muốn đa dạng hợp tác, và Việt Nam được coi là đối tác quan trọng của EU trong khu vực.

5-9530.jpg
Vụ trưởng Vụ Đông Bắc Á, Bộ Ngoại giao Phạm Thanh Bình phát biểu tại hội nghị. Ảnh: QUANG PHÚC

Vụ trưởng Vụ Đông Bắc Á, Bộ Ngoại giao Phạm Thanh Bình nhận định, phần lớn các dự báo cho rằng, kinh tế Trung Quốc trong năm 2024 tiếp tục phục hồi, duy trì mức tăng trưởng GDP khoảng 5%, song trung hạn có thể chậm dần, ở mức 3,5%. Triển vọng kinh tế và những điều chỉnh chính sách của Trung Quốc có thể sẽ tác động thuận - nghịch đan xen tới kinh tế Việt Nam. Việc tăng cường quan hệ hợp tác thực chất, nhất là kinh tế thương mại với Trung Quốc có ý nghĩa hết sức quan trọng. Đây là chất keo gắn kết, đan xen lợi ích hai nước, là yếu tố tích cực củng cố nền tảng xã hội và tin cậy chính trị, là động lực góp phần duy trì phát triển ổn định quan hệ hai nước.

Ông Phạm Thanh Bình kiến nghị thiết lập, triển khai cơ chế rà soát, đôn đốc, kiểm tra, đánh giá định kỳ, thường xuyên việc triển khai cụ thể hóa các thỏa thuận, chương trình hợp tác Việt Nam - Trung Quốc đã ký kết.

Đồng thời, tích cực mở rộng thị trường xuất khẩu các mặt hàng Việt Nam có thế mạnh (nông, thủy, hải sản), nhất là các địa phương còn nhiều tiềm năng chưa khai thác của Trung Quốc như miền Trung, miền Bắc, Đông Bắc, Hoa Đông; từng bước thúc đẩy thương mại chính ngạch, chuyên nghiệp, hiện đại, phát triển bền vững...

Thúc đẩy triển khai hiệu quả kế hoạch hợp tác văn hóa - du lịch Việt Nam - Trung Quốc giai đoạn 2023-2027. Khẩn trương triển khai các chương trình quảng bá tại Trung Quốc, xây dựng các sản phẩm du lịch phù hợp nhu cầu, thị hiếu đa dạng của du khách Trung Quốc trong giai đoạn mới hậu Covid-19…

Tin cùng chuyên mục