Ngoại giao kiến tạo cơ hội mới cho phát triển đất nước

Trong cuộc cuộc trò chuyện với Báo Sài Gòn Giải Phóng trước thềm Tết Ất Tỵ 2025, đồng chí BÙI THANH SƠN, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao (ảnh) nêu bật những kết quả quan trọng trong công tác ngoại giao của Việt Nam năm 2024 và những trọng tâm của ngoại giao trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

- Phóng viên: Năm 2024, dù có nhiều biến động trên bàn cờ địa chính trị toàn cầu, song ngoại giao Việt Nam đã gặt hái được nhiều thành công và được bạn bè quốc tế xem là một “điểm sáng” so với bình diện chung. Xin Phó Thủ tướng đánh giá về kết quả này?

bui thanh son.jpg

- Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao BÙI THANH SƠN: Năm 2024, tình hình thế giới tiếp tục biến động phức tạp với nhiều bất ổn, xung đột, những vấn đề toàn cầu cấp bách đe dọa nghiêm trọng đến sự ổn định và phát triển bền vững của tất cả các quốc gia. Tuy nhiên, chúng ta có thể tự hào rằng Việt Nam vẫn giữ vững được cục diện của đất nước hòa bình, ổn định, phát triển và được dư luận quốc tế xem như một điểm sáng ở khu vực.

Thứ nhất, Việt Nam ngày càng chủ động sáng tạo hơn trong hoạt động đối ngoại. Các hoạt động đối ngoại trong năm 2024, nhất là đối ngoại cấp cao, đã diễn ra sôi động và trải rộng khắp các châu lục và tại nhiều diễn đàn, cơ chế đa phương quan trọng. Lãnh đạo cấp cao và chủ chốt của Việt Nam đã tiến hành 59 hoạt động đối ngoại, trong đó có 21 chuyến thăm tới các nước và tham dự các hội nghị đa phương. Việt Nam cũng đón 25 đoàn lãnh đạo các nước đến thăm và làm việc tại Việt Nam. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đẩy mạnh triển khai các thỏa thuận và cam kết quốc tế từ các quan hệ được nâng cấp, đồng thời cũng ký kết hơn 170 thỏa thuận hợp tác trong nhiều lĩnh vực, nhất là những lĩnh vực mà chúng ta có nhu cầu và có lợi ích.

Thứ hai, bạn bè quốc tế ngày càng coi trọng, đánh giá cao và mong muốn thúc đẩy quan hệ với Việt Nam. Trong năm 2024, chúng ta đã nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện với các đối tác lớn như Australia, Pháp và Malaysia; nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược với Brazil; thiết lập quan hệ Đối tác Toàn diện với Mông Cổ, Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất. Thông qua đó chúng ta đã tạo dựng được khuôn khổ quan hệ với 32 đối tác hàng đầu, bao gồm các nước láng giềng, các nước lớn và bạn bè truyền thống.

Thứ ba, ngoại giao kinh tế tiếp tục đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của đất nước. Nội hàm kinh tế đang ngày càng chiếm số lượng lớn trong các hoạt động đối ngoại cấp cao và các cấp khác, thông qua đó, chúng ta tranh thủ được các đối tác trong chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, công nghệ bán dẫn, trí tuệ nhân tạo.

Thứ tư, trước những biến động trên thế giới, quốc phòng - an ninh - đối ngoại thực sự đã hình thành “thế chân kiềng”, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa.

Thứ năm, Việt Nam ngày càng khẳng định được vai trò, vị thế, uy tín và có nhiều đóng góp tích cực cho cộng đồng quốc tế. Việt Nam tiếp tục phát huy vai trò là một bên đóng góp tích cực các ý tưởng, sáng kiến được nhiều nước đón nhận và hưởng ứng.

Thứ sáu, thế và lực của đất nước không ngừng được nâng cao từ sự cộng hưởng của tất cả các mặt công tác đối ngoại như thông tin đối ngoại, ngoại giao văn hóa, công tác người Việt Nam ở nước ngoài, bảo hộ công dân. Ngoại giao đã góp phần vận động thành công UNESCO ghi danh thêm 6 danh hiệu và di sản, nâng tổng số danh hiệu được UNESCO công nhận ở Việt Nam lên 71, tạo nguồn lực mới để phát triển kinh tế - xã hội, du lịch ở các địa phương. Công tác người Việt Nam ở nước ngoài cũng được thực hiện tốt.

- Phó Thủ tướng đã đề cập đến vai trò của đồng bào ta ở nước ngoài, vậy cụ thể là gì?

- Năm 2024 chúng ta đã tổ chức thành công Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới lần thứ 4 với sự tham gia của 400 đại biểu kiều bào từ hơn 40 quốc gia, vùng lãnh thổ đã về dự, đây cũng là nguồn lực quan trọng để phát triển đất nước. Cộng đồng gần 6 triệu người Việt Nam hiện đang sinh sống và làm việc tại hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, luôn là bộ phận không thể tách rời của toàn dân tộc.

Nguồn lực đầu tư kiều hối và tri thức của đồng bào ta ở nước ngoài dành cho Tổ quốc thực sự là nguồn lực quan trọng cho phát triển đất nước với 421 dự án FDI và tổng vốn đăng ký đầu tư là 1,72 tỷ USD tại 42/63 tỉnh thành, lượng kiều hối năm 2024 đạt khoảng 16 tỷ USD, đây là nguồn lực rất quan trọng cho phát triển kinh tế đất nước.

- Tổng Bí thư Tô Lâm đã nói, đất nước ta đang đứng trước thời điểm lịch sử mới, việc đưa đất nước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình là phù hợp với xu thế thời đại và thực tiễn kinh nghiệm của các nước đi trước. Xin Phó Thủ tướng đánh giá một cách tổng quát về vai trò của công tác đối ngoại trong bối cảnh hiện nay?

- Trong một thế giới phụ thuộc lẫn nhau như ngày nay, sự ổn định và phát triển của các quốc gia đều không thể tách rời với môi trường khu vực và thế giới bên ngoài. Yếu tố đảm bảo cho sự vươn lên của dân tộc là phải có một chiến lược để đảm bảo môi trường hòa bình, hữu nghị, ổn định cho sự phát triển của đất nước. Do đó, nhiệm vụ của đối ngoại là phải củng cố để giữ vững được cục diện này, vững vàng trước biến động, tạo điều kiện cho đất nước bước vào thời kỳ phát triển mới. Đối ngoại kiến tạo, mở ra động lực và cơ hội mới cho đất nước vươn mình trong kỷ nguyên mới. Trong đó, đối ngoại đóng vai trò kết nối nội lực với ngoại lực; nội lực là cơ bản, lâu dài và ngoại lực thì có tính đột phá.

Thế và lực mới của đất nước cũng đặt ra trách nhiệm của Việt Nam trên trường quốc tế. Chúng ta phải tham gia sâu hơn, đóng góp nhiều hơn vào sự nghiệp chung của nhân loại như đảm bảo hòa bình, phát triển, tham gia vào giải quyết các vấn đề chung, góp phần xây dựng, bảo vệ Tổ quốc cũng như bảo vệ một trật tự thế giới công bằng, bình đẳng và dựa trên luật pháp quốc tế.

Để đưa đất nước bước vào một kỷ nguyên mới cũng đòi hỏi phải xây dựng một nền ngoại giao toàn diện, hiện đại và chuyên nghiệp nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Việc sắp xếp, đổi mới bộ máy đối ngoại tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, song hành với việc có các cơ chế chính sách thuận lợi, có các nguồn lực đủ mạnh cho công tác đối ngoại.

- Trân trọng cảm ơn Phó Thủ tướng!

Tin cùng chuyên mục