Khai thác cơ hội
Tờ Le Figaro cho rằng, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã tranh thủ tối đa liên minh quân sự với Mỹ và quan hệ kinh tế với châu Âu, nhưng vẫn duy trì đối tác chính trị và năng lượng với Nga. Dù là thành viên NATO song Thổ Nhĩ Kỳ không phải lúc nào cũng đứng về phía Washington. Bài báo mô tả cuộc xung đột tại Ukraine mang lại cho ông Erdogan 3 cơ hội lịch sử: thứ nhất là các máy bay không người lái (drone) Bayraktar TB2 của Thổ Nhĩ Kỳ “bán chạy như tôm tươi”; thứ hai, Ankara thu được tiền của tài phiệt Nga bị phương Tây tẩy chay, mua khí đốt giá rẻ; thứ ba, Thổ Nhĩ Kỳ đóng vai trung gian hòa giải giữa Nga - Ukraine và nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ đứng trước cơ hội đoạt giải Nobel Hòa bình.
Với Ấn Độ, nước này vừa có thỏa thuận hạt nhân dân dụng với Mỹ, tiếp tục tham gia Bộ Tứ (Quad - gồm Mỹ, Australia, Ấn Độ, Nhật Bản), nhưng từ chối bỏ phiếu chống Nga ở Liên hiệp quốc và mua dầu khí của Moscow với giá rẻ hơn. Trước đây, vào thời kỳ hội nghị Bandung (năm 1955), Ấn Độ là lãnh đạo Phong trào Không liên kết, dựa trên nguyên tắc phi bạo lực của lãnh tụ Gandhi. Ngày nay, Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar tuyên bố nước này “khai thác mọi cơ hội do các nghịch lý trên thế giới tạo ra”. Với Thủ tướng Narendra Modi, ở vai trò là chủ tịch Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) năm 2023, không liên kết hòa bình đã được thay bằng không liên kết đa phương. Ấn Độ và Trung Quốc được cho là sẵn sàng dành cho Tổng thống Nga Vladimir Putin thời gian xoay xở để kết thúc chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.
Phản ứng từ các nước
Hôm 22-9, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan thông qua Twitter bày tỏ cảm ơn Thổ Nhĩ Kỳ vì đã đóng góp vào việc trao đổi gần 300 tù binh giữa Nga và Ukraine, bao gồm cả người nước ngoài, trong cuộc trao đổi tù binh lớn nhất kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột tại Ukraine. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cũng cảm ơn người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan vì vai trò của ông trong việc đảm bảo việc trao đổi tù binh, trong đó có 215 người Ukraine, bao gồm 5 chỉ huy của tiểu đoàn Azov. Hơn nữa, các nước trên thế giới đánh giá cao Liên hiệp quốc và Thổ Nhĩ Kỳ cùng ký một thỏa thuận với Nga và Ukraine vào tháng 7, cho phép nối lại xuất khẩu ngũ cốc và thực phẩm khác của Ukraine lần đầu tiên kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột.
Về phía Ấn Độ, đã có rất nhiều người mất kiên nhẫn với việc New Delhi đứng trung lập. Thậm chí, Thư ký báo chí của Nhà Trắng Jen Psaki từng thúc giục các nước suy nghĩ về “nơi bạn muốn đứng khi sách lịch sử được viết vào thời điểm này” (khi Nga vừa mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine). Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar thì cho rằng, quan hệ Ấn Độ - Mỹ là một mối quan hệ rất thực chất, nhưng Ấn Độ có cách đánh giá thận trọng về tổng thể chính sách đối ngoại của Mỹ. Điều đó đã được phản ánh trong cách tiếp cận của Ấn Độ đối với Ukraine.
Theo The Foreign Affairs, các nhà quan sát quốc tế nhận định Ấn Độ chỉ đơn thuần điều hướng giữa các cường quốc địa chính trị đang xung đột - Nga và Mỹ, vốn là 2 trong số các đối tác lớn của nước này. Đúng vậy, Ấn Độ đã bỏ phiếu trắng trong các cuộc bỏ phiếu quan trọng về cuộc xung đột ở Ukraine tại Liên hiệp quốc. Nhưng New Delhi cũng đã cứng rắn với các tuyên bố về cuộc xung đột, lên án việc giết hại dân thường và vi phạm chủ quyền quốc gia.