Tại Pháp, ông Kishida sẽ tham dự hội nghị Hội đồng Bộ trưởng Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) với vai trò chủ trì các cuộc đối thoại có sự tham gia của 58 quốc gia. Theo giới quan sát, việc Nhật Bản thể hiện vai trò định hướng các cuộc thảo luận về các thách thức kinh tế và xã hội tại OECD là nhằm hiện thực hóa mục tiêu duy trì và củng cố trật tự quốc tế tự do cởi mở dựa trên quy định của pháp luật mà Tokyo thúc đẩy trong chính sách ngoại giao của mình.
Hoạt động quan trọng tiếp theo của Thủ tướng Kishida tại Pháp là cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Trong số các quốc gia châu Âu, Nhật Bản đầu tư nhiều nhất vào Pháp và Tokyo là một cánh cửa cho Paris mở lối vào châu Á. Pháp và Nhật Bản có chung quan điểm về hầu hết các vấn đề chính trị trên thế giới. Tổng thống Macron và Thủ tướng Kishida từng cam kết “thúc đẩy sự hợp tác song phương về lĩnh vực an ninh tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”. Sau Pháp, Thủ tướng Kishida sẽ đến Brazil và Paraguay nhằm tăng cường quan hệ kinh tế với các nước Nam Mỹ, trong bối cảnh Trung Quốc và Nga gia tăng hiện diện tại đây.
Trước đó, trong chuyến đi chính thức tới Washington đầu tháng 4, nhà lãnh đạo này từng khẳng định Nhật Bản sẵn sàng chia sẻ với Mỹ gánh nặng duy trì trật tự quốc tế dựa trên luật lệ. Thuyết phục các nước mới nổi và đang phát triển ở Nam bán cầu là một phần của nỗ lực này. Trong năm nay, Brazil đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), còn Peru là Chủ tịch Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC). Đây là năm của Mỹ Latinh và khu vực này là tâm điểm chú ý của thế giới. Vì vậy, Nhật Bản muốn nắm bắt cơ hội để tăng cường quan hệ với các nước Mỹ Latinh.
Theo nhiều nhà phân tích, Nhật Bản hiện tập trung nhiều nỗ lực ngoại giao hơn vào Nam bán cầu. Điều này cũng cho thấy nỗ lực của Thủ tướng Kishida nhằm thúc đẩy khái niệm ngoại giao chủ nghĩa hiện thực cho một kỷ nguyên mới, thể hiện một Nhật Bản ngày càng đóng vai trò chủ động trong giải quyết các vấn đề quốc tế.