Ngoại giao cân bằng

Là Thủ tướng Ấn Độ đầu tiên đến thăm Nepal trong 17 năm qua, ông Modi ngày càng cho thấy quyết tâm khẳng định chiến lược ngoại giao cân bằng mà chính phủ ông đã cam kết thực hiện ngay sau khi lên cầm quyền vào tháng 5 vừa qua.

Để thể hiện thiện chí mở ra chương mới trong mối bang giao với quốc gia láng giềng, Ấn Độ đã dành tặng Nepal gói tín dụng 1 tỷ USD, mở đường cho sự gắn kết sâu rộng trong mọi lĩnh vực kinh tế, nhất là ngành thủy điện trong thời gian tới.

Là đối tác thương mại hàng đầu của Nepal nhưng giữa Ấn Độ và nước này vẫn còn nhiều vấn đề vướng mắc. Nepal không muốn Ấn Độ can dự quá nhiều vào những vấn đề khác ngoài kinh tế. Trong khi đó, thời gian gần đây, Trung Quốc không ngừng tỏ rõ mong muốn đầu tư vào Nepal để biến nơi này thành điểm trung chuyển, mở rộng thị trường thương mại ra khắp Nam Á.

Từ năm 2012, Trung Quốc đã ký một thỏa thuận với Nepal để đầu tư 1,6 tỷ USD vào một trong những dự án lớn nhất của ngành điện lực ở Nepal. Ấn Độ, dù có lợi thế về sức ảnh hưởng tại Nepal, chiếm 47% đầu tư trực tiếp nước ngoài ở quốc gia láng giềng phía Bắc nhưng cũng không thể chủ quan đến mức đứng ngoài cuộc trước sự tăng tốc của các đối tác mới.

Điểm giới hạn của Ấn Độ từ bấy lâu nay là chưa tận dụng được lợi thế quan hệ láng giềng với nhiều nước như Sri Lanka, Maldives, Nepal và Bangladesh, Bhutan khiến những đối thủ cạnh tranh kinh tế dựa vào đó để gây ảnh hưởng, giảm sự ảnh hưởng kinh tế của Ấn Độ.

Trước khi tiếp quản một Ấn Độ cần sự đổi mới gần như toàn diện, Thủ tướng Modi đã dành thời gian tham khảo báo cáo của một nhóm cựu quan chức chính phủ và các chuyên gia đầu ngành về chính sách chiến lược ngoại giao. Báo cáo này nhấn mạnh Ấn Độ sẽ khó trở thành một cường quốc nếu không thắt chặt quan hệ với các quốc gia khu vực châu Á, nhất là ở Nam Á.

Và Thủ tướng Ấn Độ đã chứng tỏ mình là người biết lắng nghe. Lễ nhậm chức của ông đã đi vào lịch sử là lễ nhậm chức có nhiều khách mời nhất từ trước đến nay, với 4.000 người và lần đầu tiên có sự tham dự của người đồng cấp Pakistan. Tầm quan trọng của đối tác láng giềng cũng khiến điểm đến nước ngoài đầu tiên của ông Modi là Bhutan hồi tháng 6 vừa qua, thay vì Nhật Bản như đã lên kế hoạch trước đó.

Đoàn kết để cạnh tranh, đó là mục tiêu của chiến lược ngoại giao cân bằng của Thủ tướng Modi. Trong bài phát biểu tại lễ nhậm chức cũng như trong các chiến dịch vận động tranh cử trước đó, ông Modi luôn nhấn mạnh đến việc lựa chọn đường lối đối ngoại gắn kết với các quốc gia, nhất là các nước trong khu vực.

Đặc biệt, không có quốc gia cụ thể nào ở vị trí đối tác sống còn. Tất cả đều nhằm đảm bảo lợi ích quốc gia ở mức cao nhất có thể cho Ấn Độ. Đó cũng là lý do sau khi nhậm chức, ông Modi gấp rút xúc tiến cùng các quốc gia mới nổi khác thành lập Ngân hàng phát triển mới mà trong đó, Ấn Độ giữ vai trò chủ tịch trong 5 năm đầu. Đây cũng là ngân hàng có tham vọng định nghĩa lại nền tài chính quốc tế vốn từ bấy lâu nay do các quốc gia phương Tây kiểm soát và làm chủ.

Từng hành động mang mục tiêu rõ ràng, thông điệp của Thủ tướng Modi cho thấy Ấn Độ muốn là đối tác chiến lược với tất cả quốc gia. Với chính sách ngoại giao này, ông Modi là lãnh đạo được kỳ vọng tạo nên cục diện mới trên chính trường quốc tế.

NHƯ QUỲNH

Tin cùng chuyên mục