Vùng đất biển Gành Hào, huyện Đông Hải, Bạc Liêu, từ lâu đã nổi tiếng với thương hiệu muối Bạc Liêu và bài “Dạ cổ hoài lang” của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu. Nhưng huyện Đông Hải bây giờ còn khởi sắc hơn về mặt thực tiễn với tiềm năng kinh tế đang phát triển gắn với chính sách an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới…
Tiềm năng từ biển
Đông Hải là một trong số ít huyện ven biển ĐBSCL có đường bờ biển dài nhất với 23km. Nơi đây có 2 cửa biển: Cái Cùng và Gành Hào (trung tâm huyện lỵ). Ngoài 4.000ha đất bãi bồi ven biển, Đông Hải còn quản lý trên 9.600km2 mặt nước biển (vùng đặc quyền kinh tế), 2.140ha rừng phòng hộ tập trung. Những tiềm năng trên đã tạo thuận lợi để Đảng bộ và nhân dân vùng đất này từng bước khai thác hiệu quả.
Đi một vòng quanh bờ biển và dọc hai bên đường từ thị trấn Giá Rai (ven quốc lộ 1) vào thị trấn Gành Hào dài trên 30km là những thảm rừng đước bạt ngàn và những vuông nuôi tôm công nghiệp liền kề; tiếng máy quạt nước chạy rào rào nghe thật thích tai.
Huyện Đông Hải có 642 tàu thuyền, trong đó có 293 chiếc công suất trên 90CV, đủ khả năng đánh bắt xa bờ. Hàng năm, ngư dân làng biển Đông Hải khai thác hơn 50.000 tấn hải sản các loại (chủ yếu là tôm). Xác định thế mạnh từ biển, huyện Đông Hải đã chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ nông- ngư- dân phát triển ổn định, bền vững. Đó là xây dựng cảng cá Gành Hào (2007), cơ sở sửa chữa tàu thuyền, thành lập đội tàu dịch vụ hậu cần nghề cá để trung chuyển khi khai thác xa bờ; hình thành các tổ đội sản xuất trên biển. Đông Hải là huyện có diện tích nuôi thủy sản lớn nhất tỉnh Bạc Liêu với 38.000ha.
Được biết, chỉ riêng 2 xã: Long Điền và Long Điền Đông đã có 500ha nuôi tôm công nghệp và bán công nghiệp. Khai thác biển và nuôi trồng thủy sản được thực hiện đồng bộ. Vùng đất này, nhiều cơ sở còn tự ương giống để phục vụ nuôi trồng. Ở xã Định Thành đã thành lập được 1 hợp tác xã và 4 tổ hợp tác với mô hình sản xuất khép kín. Riêng hợp tác xã tại ấp Chồi Mồi có 7 thành viên do ông Lê Văn Tình làm chủ nhiệm; với vốn điều lệ ban đầu 8,5 tỷ đồng. Họ đã xây dựng 15 trại giống tôm cua; vừa trang bị cho mình, vừa phục vụ nhu cầu của thị trường.
Ông Lê Văn Tình cho biết: “Mô hình của chúng tôi đã được nhiều bà con ở các xã lân cận đến học hỏi. Tới đây, chúng tôi sẽ mở rộng thêm cơ sở làm ăn”. Năm 2013, tổng sản lượng khai thác biển và nuôi thủy sản của Đông Hải đạt 108.506 tấn. Riêng 6 tháng đầu năm 2014 đạt 65.049 tấn, tăng 18,6% so cùng kỳ.
3 năm qua và 6 tháng đầu năm 2014, nhịp độ phát triển kinh tế nói chung của huyện Đông Hải đạt 16,25%/năm (là một trong số ít địa phương đạt hiệu quả của tỉnh Bạc Liêu và ĐBSCL).
Đời sống mới
Chúng tôi tới Định Thành, xã đứng đầu xây dựng nông thôn mới ở huyện Đông Hải. Theo ông Trà Vĩnh Thuấn, Phó chủ tịch thường trực UBND xã thì không phải tự nhiên mà Định Thành đạt được thành tích. Kết quả là do đời sống kinh tế của người dân ngày càng được nâng lên. Do đó, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân hợp lực, kề vai sát cánh cùng làm.
Ông Trà Vĩnh Thuấn khoe rằng: Định Thành hiện có một bưu điện văn hóa xã đạt chuẩn, 2.332 hộ sử dụng điện an toàn, đạt 100%, 5 hợp tác xã và tổ hợp tác sản xuất, 5/5 ấp đạt danh hiệu văn hóa… Ngoài ra, trên địa bàn xã còn có một công ty chế biến thủy sản xuất khẩu và 2 xưởng sơ chế tôm nguyên liệu. Các cơ sở trên là nơi giải quyết việc làm cho lao động nông nhàn ở địa phương, tăng thu nhập cho người lao động, nâng cao đời sống người dân.
Ở huyện Đông Hải có rất nhiều xã ấp đã và đang làm tốt chính sách xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống người dân. Đến xã Long Điền A, chúng tôi ngỡ ngàng trước những ngôi nhà cao tầng và kiên cố đủ màu sắc, cho thấy người dân nơi đây có kinh tế khá giả. Hầu như nhà nào cũng có phương tiện nghe nhìn, đường sá đổ bê tông sạch sẽ; chợ xã khang trang, đông đúc người mua bán.
Ông Út Hiền, ngụ tại ấp 1, mừng rỡ cho biết: “Chỉ mới vài năm nay mà bộ mặt nông thôn nhiều khởi sắc như vậy đó. Có niềm vui nào bằng được”.
Xây dựng nông thôn mới là một chủ trương lớn. Những năm qua, ban chỉ đạo của huyện đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền cơ sở và nhân dân để tìm kiếm sự đồng thuận. Dù là huyện ven biển, có nhiều kênh rạch nhưng giao thông nông thôn nơi này khá tốt: 84/84 ấp có đường nối liền, ô tô chạy được; 36% tuyến xóm liền xóm cũng đã bê tông hóa, nhựa hóa với phương châm: “Nhà nước và nhân dân cùng làm”.
Hàng chục hécta đất đã được người dân hiến tặng làm đường, trường học, cơ sở y tế, nhà văn hóa và các công trình phúc lợi phục vụ xã hội và dân sinh khác . Phong trào văn hóa (nhất là văn nghệ, đờn ca tài tử), giáo dục, y tế… phát triển đáp ứng tốt yêu cầu phục vụ người dân.
Kinh tế - xã hội ở vùng đất Đông Hải đang thay da, đổi thịt từng ngày. Đó cũng là do cách làm đổi mới, sáng tạo của Đảng bộ, chính quyền; được sự đồng thuận, nhất trí cao của quần chúng nhân dân. Cách làm trên cần được phát huy hơn nữa.
LÊ BÌNH