Sáng 3-8, tại TPHCM đã diễn ra Hội nghị Quốc gia lần thứ 4 về rối loạn sử dụng chất và HIV với chủ đề “Phát triển mô hình điều trị rối loạn sử dụng chất và HIV”.
Hội nghị do Bộ Y tế, Đại học Y Dược TPHCM, Đại học Y Hà Nội và SAMHSA - cơ quan trực thuộc Bộ Y tế và Dịch vụ sức khỏe con người Hoa Kỳ tổ chức.
Theo PGS TS Phạm Đức Mạnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), hiện nay nước ta có 210.751 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý, tăng 10% so với năm 2016.
Đáng lưu ý, nhóm nghiện ma túy có xu hướng tăng nhanh ở giới trẻ, học sinh. Trong đó, TPHCM có số người nghiện cao nhất với 21.712 người, tiếp đến là Hà Nội là 12.803 người, điện Biên là 9.481 người,....
Bên cạnh đó, việc điều trị cho người nghiện ma túy ở nước ta hiện nay còn gặp nhiều khó khăn. Trước đây, nguồn kinh phí chủ yếu cho hoạt động thường xuyên của chương trình là từ các nhà tài trợ quốc tế (dịch vụ điều trị Methadone miễn phí), bắt đầu từ năm 2011, việc điều trị Methadone đã được chuyển đổi từ miễn phí sang xã hội hóa dẫn đến người nghiện ma túy bỏ điều trị Methadone ngày càng cao.
Nhằm hướng tới mục tiêu 90-90-90 trong phòng chống HIV/AIDS (90% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm của mình; 90% người nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng HIV (ARV), 90% số người đang được điều trị có tải lượng HIV ở mức thấp). Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Đức Mạnh cho biết, trong thời gian tới, Cục Phòng chống HIV/AIDS sẽ tiếp tục nghiên cứu, duy trì, mở rộng triển khai mô hình lồng ghép tại các địa phương.
Đối với các cơ sở điều trị Methadone, điều trị ARV chuẩn bị thành lập nên triển khai theo hướng lồng ghép ngay từ đầu. Đây là phương pháp giúp bệnh nhân thuận tiện trong việc tiếp cận các dịch vụ khác nhau tại cùng một địa điểm, nâng cao hiệu quả làm việc của nhân viên, tiết kiệm được chi phí chi cho hoạt động và nhân sự, giúp giảm nguy cơ lây nhiễm HIV trong nhóm nghiện chích ma túy, giảm lây truyền từ nhóm này ra cộng đồng, tăng mức độ tuân thủ điều trị... Đồng thời, làm tăng độ che phủ của dịch vụ điều trị HIV và điều trị lạm dụng nghiện chất.
Hiện tại, đến nay đã có 244 cơ sở điều trị cai nghiện trên toàn quốc có lồng ghép điều trị ARV và Methadone.