Nghiên cứu, trao thêm quyền cho TPHCM ra quyết định “phi truyền thống”

TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương cho rằng, cơ cấu của TPHCM hiện đang chuyển dịch theo hướng trượt nhanh đến bẫy thu nhập trung bình, mà nguyên nhân sâu xa là TPHCM không được trao đủ quyền, không có quyền tự chủ đủ mức để có tư duy mới với dư địa chính sách, thể chế đặc thù đủ lớn nhằm xây dựng bộ máy, đội ngũ lãnh đạo và công chức đủ năng lực xây dựng, thực thi các chính sách tốt.

ndc-7328-6758.jpg
TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương

Nhận xét về kịch bản tăng trưởng dự kiến trong dự thảo đồ án quy hoạch TPHCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương cho rằng, TPHCM có thể hướng đến mục tiêu tăng trưởng cao hơn nhiều. Nhưng điểm nghẽn là chưa có đột phá thể chế.

TS Nguyễn Đình Cung thẳng thắn cho rằng cơ cấu kinh tế của TPHCM hiện đang chuyển dịch theo hướng trượt nhanh đến bẫy thu nhập trung bình, mà nguyên nhân sâu xa là TPHCM không được trao đủ quyền, không có quyền tự chủ đủ mức để có tư duy mới với dư địa chính sách, thể chế đặc thù đủ lớn nhằm xây dựng bộ máy, đội ngũ lãnh đạo và công chức đủ năng lực xây dựng và thực thi các chính sách tốt, giải quyết được yêu cầu và mâu thuẫn của quá trình phát triển kinh tế - xã hội.

“Tôi cho rằng, TPHCM có thể chọn phương án 3 (tăng trưởng trên 10% - PV), thậm chí cao hơn, vẫn có thể khả thi. Vấn đề là chúng ta có dám chọn, dám có tư duy đột biến, khác biệt, có cơ chế ra quyết định “phi truyền thống” và giải pháp cách làm khác biệt, quyết liệt hay không. Hàn Quốc, Nhật Bản… đã có tăng trưởng 10-15%/năm liên tục trong 20-30 năm”, TS Nguyễn Đình Cung chia sẻ.

sg-28-8033-9783-1793.jpeg
Quang cảnh hội thảo

Một trong những giải pháp khác biệt đó, theo TS Nguyễn Đình Cung, phải là mạnh dạn đầu tư phát triển. Theo ông, chi cho đầu tư phát triển ở TPHCM hiện quá thấp.

“TPHCM bị lấy đi quá nhiều nguồn thu ngân sách; nhưng đổi lại, không có cơ chế, chính sách và công cụ phù hợp, đủ hấp dẫn để huy động nguồn vốn xã hội để đầu tư phát triển. Gần đây có Nghị quyết 98, nhưng như vậy vẫn là chưa đủ”, ông nói. Ví dụ, tổng số vốn đầu tư xã hội cần huy động 2021-2030 là 6,4 triệu tỷ đồng thì ít nhất phải chỉ ra là cần làm gì để huy động được đủ từng ấy vốn, trong đó vốn ngân sách, vốn nhà nước khác, vốn tư nhân trong và ngoài nước như thế nào?”.

TS Nguyễn Đình Cung khẳng định, “hoàn thiện thể chế” về bản chất không thể gọi là đột phá. Đột phá phải là cái gì đó khác biệt, không phải tiến tuần tự tuyến tính. TPHCM có thể làm được gì khác với Trung ương và các địa phương khác? Nếu chỉ có thể làm đúng theo quy định của Trung ương, không có cách thực hiện tốt hơn, hiệu quả hơn thì đến phương án 2 cũng khó thành công.

Ghi nhận ý kiến này, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi đồng tình: “Đúng là mô hình và thể chế cho sự phát triển TPHCM là những điểm nghẽn gốc”. Hai đồng chủ tọa hội thảo đề nghị các chuyên gia gợi ý cụ thể những cơ chế đặc biệt cho TPHCM, đặc biệt trong huy động nguồn lực.

Trước đó, KTS Ngô Viết Nam Sơn và nhiều chuyên gia khác đều băn khoăn về tỷ lệ được giữ lại 21% các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương trong bối cảnh nhu cầu đầu tư phát triển của TPHCM là cực kỳ lớn. KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, khi được đầu tư hợp lý, đến khi đi vào vận hành, các dự án tại TPHCM sẽ nhanh chóng tạo ra nguồn thu đóng góp trở lại cho ngân sách.

Tin cùng chuyên mục