Nền tảng cho những bước tiến trong y học hiện đại
Trên thế giới, lĩnh vực tế bào gốc phục vụ chăm sóc sức khỏe con người đang ngày một phát triển nhanh chóng và đạt được nhiều thành tựu, đặc biệt có 2 giải Nobel đã được trao cho các nhà khoa học nghiên cứu về lĩnh vực tế bào gốc vào năm 2007 và 2012… mở ra nhiều ứng dụng cho tế bào gốc. Tế bào gốc không chỉ là một lĩnh vực nghiên cứu đầy triển vọng mà còn là nền tảng cho những bước tiến vượt bậc trong y học hiện đại.
Theo ThS Lê Trần Duy Sang, đại diện Trung tâm Thông tin và Thống kê KH-CN TPHCM (Cesti - Sở KH-CN TPHCM), từ năm 1981 đến tháng 10-2024, thế giới ghi nhận khoảng 25.000 đơn đăng ký bảo hộ sáng chế về công nghệ tế bào gốc trong lĩnh vực y tế. Trong đó, đa phần sử dụng nguồn tế bào gốc từ con người (chiếm 92,6%), từ động vật (chiếm 6,3%) và từ thực vật (chiếm 1,1 %), tế bào gốc được ứng dụng trong việc phát triển dược phẩm và chế phẩm phục vụ việc trị liệu (điều trị ung thư, xử lý khối u, tái tạo mô xương khớp, tái tạo da…).
Từ năm 1999 đến nay, Việt Nam có 87 sáng chế và giải pháp hữu ích được đăng ký bảo hộ, trong đó có 19 sáng chế thuộc về viện nghiên cứu, trường đại học, cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp trong nước. Các sáng chế chủ yếu tập trung vào việc sử dụng tế bào gốc trung mô trong các kỹ thuật nuôi cấy, điều chế dược phẩm, trị liệu và được ứng dụng nhiều nhất trong phương pháp tái tạo mô xương khớp.
Ngoài những ứng dụng tế bào gốc trong y học, các nhà khoa học còn quan tâm đến lĩnh vực sinh sản vô tính và nuôi cấy mô. Ứng dụng tế bào gốc cũng dùng để nghiên cứu sự phát triển của con người, qua đó xác định các vấn đề di truyền và tìm ra phương pháp ngăn chặn. Bên cạnh đó là ứng dụng thăm dò tác động của nhiễm sắc thể bất thường, như sự phát triển của các mô ung thư. Tế bào gốc của người cũng có thể dùng để kiểm tra thuốc mới vì các nghiên cứu trên mô hình động vật khó có thể dự đoán chính xác tác động của thuốc với tế bào người.
Tiềm năng nhưng nhiều thách thức
Những năm qua, tế bào gốc được thử nghiệm để điều trị bệnh khó chữa trước đây như các bệnh của cơ quan tạo máu, liệt do chấn thương tủy sống... Các ngân hàng tế bào gốc đã được xây dựng tại Công ty CP Hóa dược Mekophar, Bệnh viện Nhi Trung ương. Quy trình phân lập tế bào gốc từ tủy xương, máu ngoại vi, máu cuống rốn, mô mỡ và màng dây rốn... đã được làm chủ, quy trình bảo quản đánh giá chất lượng tế bào gốc cũng được hoàn thiện.
Tại hội thảo “Xu hướng nghiên cứu công nghệ tế bào gốc phục vụ lĩnh vực y tế” do Cesti tổ chức, PGS-TS Huỳnh Nghĩa, Trưởng khoa Huyết học trẻ em 2, Bệnh viện Truyền máu huyết học TPHCM, chia sẻ, liệu pháp cấy ghép tế bào gốc tạo máu đã mang lại hy vọng mới cho bệnh nhân mắc các bệnh lý về máu, ung thư hay suy giảm hệ miễn dịch. Tế bào gốc tạo máu có một số ưu điểm như tính chất tự tái tạo rất đặc biệt, có khả năng định cư tại các ổ “Niche” trong tủy xương sau khi tiêm vào tĩnh mạch và có khả năng bảo quản đông lạnh. Từ năm 1995 đến nay, bệnh viện đã có 628 trường hợp được cấy ghép tế bào gốc máu thành công.
Theo TS Phạm Lê Bửu Trúc, Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM, chỉ trong năm 2021, Việt Nam có đến 276.000 ca tử vong liên quan đến các bệnh lý tim mạch. Do vậy, bệnh lý về tim mạch cần được đầu tư nghiên cứu nhiều liệu pháp hơn nữa, trong đó có liệu pháp tế bào gốc đang được coi là tiềm năng lớn, mở ra cơ hội sống cho bệnh nhân…
ThS Nguyễn Đức Tuấn, Giám đốc Cesti, chia sẻ, hành trình trị liệu bằng tế bào gốc trên thế giới phát triển nhiều năm qua, đang trở thành một tác nhân trị liệu mới của y học tái tạo. Để việc nghiên cứu tế bào gốc dần bắt nhịp với khu vực và thế giới, cần có một chiến lược tổng thể dài hạn, xây dựng các chính sách, chương trình thúc đẩy nghiên cứu nhằm tạo thêm động lực cho các nhà khoa học.
Một vấn đề đặt ra hiện nay, liệu pháp tế bào gốc hiện được rao bán rầm rộ, công khai với lời hứa chữa trị được nhiều loại bệnh khiến người dùng như rơi vào ma trận. Trên nhiều trang mạng xã hội, sàn thương mại điện tử, website... có hàng trăm ngàn bài viết rao bán sản phẩm từ tế bào gốc, nhất là trong lĩnh vực làm đẹp. Đa số được quảng cáo có thành phần nhau thai, màng ối, cuống rốn...
Nhiều nhà chuyên môn cho rằng, các sản phẩm được rao bán rất có thể không phải tế bào gốc, nên người dùng hết sức cảnh giác trước những quảng cáo tiêm tế bào gốc theo liệu trình với hàng chục lọ như các spa hay mạng xã hội giới thiệu.