Chiều 17-12, Thành ủy TPHCM tổ chức hội nghị sơ kết 1 năm thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TU của Thành ủy về thực hiện cuộc vận động người TPHCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch và giảm ngập nước.
Tham dự hội nghị có các đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM; Võ Thị Dung, Phó Bí thư Thành ủy;…
Môi trường cải thiện nhưng rác thải vẫn ngổn ngang
Mở đầu hội nghị, đồng chí Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TPHCM đánh giá, cuộc vận động đã nhận được sự đồng tình, hưởng ứng tích cực của người dân. Dù còn nhiều khó khăn nhưng bước đầu cuộc vận động đã tạo được sự chuyển biến tích cực về ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường của người dân thành phố như hạn chế xả rác ra đường và kênh rạch, tích cực tham gia xử lý các điểm đen ô nhiễm môi trường.
Tuy vậy, tình trạng ô nhiễm môi trường vẫn diễn ra thường xuyên và đáng báo động tại các khu dân cư, kênh rạch, công trường xây dựng và trên đường phố. Tình trạng này xuất phát từ ý thức xả rác của một bộ phận không nhỏ người dân thành phố chưa chuyển biến, hành vi xả rác không đúng nơi quy định. “Vấn nạn này cần phải xóa bỏ”, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong dứt khoát và bày tỏ, hội nghị hôm nay nhằm đánh giá lại kết quả thực hiện Chỉ thị 19-CT/TU của các cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội.
Theo đồng chí Nguyễn Thành Phong, việc UBND công nhận và tuyên dương các khu phố - ấp, phường - xã - thị trấn có những cách làm hay, sáng tạo nhằm khẳng định sự chuyển biến thực chất trong phong trào bảo vệ môi trường ở khu dân cư, tạo thành phong trào thi đua rộng khắp ở cơ sở. Cùng với đó là việc kịp thời nhân rộng các mô hình, sáng kiến hay cũng như phân tích nguyên nhân và những tồn tại để thảo luận cách khắc phục.
Đồng chí cũng bày tỏ mong muốn, mỗi người dân thành phố cùng nhắc nhở nhau về ý thức giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường bằng những việc hằng ngày, nhằm xây dựng TPHCM trở thành thành phố có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình.
Báo cáo tại hội nghị, đồng chí Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TPHCM đánh giá, qua 1 năm thực hiện Chỉ thị 19-CT/TU đã đạt được những kết quả rất tích cực. Song rác thải vẫn còn tồn tại ở nhiều nơi như miệng hố ga, cống thoát nước, lòng đường, vỉa hè, kênh rạch… nhưng các địa phương chưa có biện pháp xử lý triệt để, hiệu quả. Tình trạng người dân xả rác, đổ nước thải, lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường buôn bán gây mất mỹ quan đô thị và vệ sinh môi trường công cộng vẫn còn tồn tại. Những hạn chế này có nguyên do việc xử phạt hành vi xả rác thải chưa thực hiện mạnh mẽ, chưa thể hiện tính răn đe.
Thành phố cũng tiếp tục tăng cường kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm về môi trường, đặc biệt là xử lý hành vi vi phạm vệ sinh nơi công cộng. Trong đó, thành phố sẽ nghiên cứu các giải pháp tăng cường xử phạt làm cơ sở cho các địa phương thực hiện. Đặc biệt là nghiên cứu đề xuất áp dụng hình phạt lao động công ích đối với các trường hợp vi phạm quy định về vệ sinh nơi công cộng.
Tiền đề hướng tới thành phố xanh - thân thiện môi trường
Giao lưu tại hội nghị, những cá nhân tiêu biểu đã chia sẻ về cách làm hay, lan tỏa tới những người xung quanh, phần nào góp phần xây dựng thói quen không xả rác ra đường và kênh rạch. Ông Đinh Văn Huệ (khu phố 7, phường 15, quận 10) nay đã 91 tuổi nhưng vẫn tích cực tham gia dọn dẹp vệ sinh môi trường làm gương cho con, cháu. Hay Thượng tọa Thích Thiện Quý (Phó Ban kiêm Chánh thư ký Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam TPHCM) lồng ghép tuyên truyền đến tăng ni, phật tử xả rác đúng nơi quy định trong các bài giảng.
“Những nụ cười của thầy cô, các cô chú lao công và của các bạn học sinh chính là động lực để có ý thức hơn trong việc bỏ rác đúng nơi quy định, không chỉ ở trường học mà tại mọi nơi các bạn đặt chân đến”, em Hồng Thắm chia sẻ.
Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân bày tỏ, việc đặt yêu cầu TPHCM phải sạch là rất hợp lý nhưng nhiều năm trước, yêu cầu này chưa thực hiện được. Song, thực hiện Chỉ thị 19-CT/TU cả hệ thống chính trị chuyển động, chính quyền chuyển động và doanh nghiệp chuyển động và mang lại nhiều kết quả tích cực. Đặc biệt là việc gần 1,37 triệu hộ dân, doanh nghiệp thành phố (chiếm 50%) ký cam kết tham gia không xả rác ra đường và kênh rạch, thải rác đúng nơi quy định, thực hiện nếp sống văn minh đô thị.
Đồng chí Bí thư Thành ủy TPHCM hoan nghênh các mô hình góp phần vào thành công của cuộc vận động như “15 phút vì thành phố văn minh - sạch rác”, 5+1 (5 hộ dân liên kết giữ sạch 1 đoạn đường trước nhà sạch). Cùng đó là hàng loạt sáng kiến, công trình tiêu biểu góp phần biến bãi rác đen ô nhiễm thành công viên; lắp camera giám sát xả rác với con số kỷ lục (gần 21.900 camera trên toàn thành phố).... Hệ thống chính quyền cũng vào cuộc mạnh mẽ, đã vận động hàng ngàn tổ, đường dây thu gom rác dân lập tham gia hợp tác xã hoặc doanh nghiệp (14 quận huyện không còn tổ rác dân lập), chuẩn hóa 1/3 phương tiện thu gom rác thải, quy hoạch lại các điểm tập kết rác tốt hơn… Cùng đó, trong vòng 6 tháng, TPHCM đã khởi công 3 nhà máy xử lý rác theo công nghệ đốt rác phát điện với tổng công suất lên đến 6.000 tấn/ngày.
Phân tích thêm nguyên nhân, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, TPHCM có truyền thống về thực hiện các phong trào quần chúng, nếu mục tiêu đúng lòng dân và tổ chức thực hiện tốt sẽ mang lại những kết quả tích cực. Đồng chí cũng đánh giá cao sự vào cuộc quyết liệt cấp ủy 24 quận - huyện, các tổ chức chính trị - xã hội, các sở - ngành, nhất là các đơn vị liên quan trong việc triển khai thực hiện Chỉ thị 19-CT/TU. Đặc biệt là sự hưởng ứng của người dân thành phố đã mang lại kết quả đáng trân trọng, tạo niềm tin cho sau 2 năm thực hiện cuộc vận động, môi trường của TPHCM sẽ tiến bộ hơn rất nhiều, hướng tới thành phố xanh - thân thiện môi trường.
“Bài học rút ra là nếu làm đúng lòng dân, có chuẩn bị tốt, nhà nước, nhân dân và doanh nghiệp cùng tham gia thì sẽ đạt được kết quả ngày càng tốt đẹp hơn”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân đúc kết.
* Dịp này, UBND TPHCM công nhận và tuyên dương 90 “Khu phố - ấp sạch không xả rác ra đường và kênh rạch”; 21 “Phường - xã - thị trấn sạch không xả rác ra đường và kênh rạch” và 47 “Công trình, giải pháp, sáng kiến xanh”.
Đồng chí VÕ VĂN HOAN, Phó Chủ tịch UBND TPHCM: Tăng chỉ tiêu cây xanh ở dự án phát triển đô thị Năm 2020, UBND TP sẽ xây dựng và chỉ đạo thực hiện kế hoạch “Xây dựng thành phố xanh - thân thiện môi trường giai đoạn 2020 - 2025”. Nhiệm vụ đặt ra là tiếp tục phát huy các kết quả đã đạt được, duy trì thực hiện các giải pháp của cuộc vận động; đồng thời xây dựng và triển khai các giải pháp phát triển công viên, cây xanh, mảng xanh. Thành phố chú trọng tuyên truyền, vận động mỗi hộ gia đình tận dụng không gian trong nhà, sân, tường rào, tường nhà, mái nhà… để trồng cây, tăng mảng xanh nhằm cải thiện chất lượng không khí, tạo cảnh quan xanh - sạch - đẹp. UBND TP rà soát quy hoạch và hiện trạng cây xanh, mảng xanh, công viên và xây dựng kế hoạch trồng rừng, trồng cây ven bờ sông, kênh rạch (để tạo thành vành đai cây xanh), các dự án phủ xanh công viên, kiểm tra việc đầu tư xây dựng công viên, mảng xanh trong các khu dân cư, chung cư. UBND TP cũng xem xét đề xuất bổ sung tăng thêm chỉ tiêu quy hoạch công viên cây xanh khoảng 20% trong các dự án phát triển đô thị. Trước mắt, UBND TP tổ chức “Tết Văn hóa - Tết trồng cây” khởi động cho kế hoạch xây dựng thành phố xanh - thân thiện môi trường. Trong đó có tập trung trồng cây xanh tạo rừng ở Safari (huyện Củ Chi) và quảng trường Rừng Sác (huyện Cần Giờ); xây dựng kế hoạch trồng cây chống sạt lở, tạo cảnh quan 2 bên bờ hữu và bờ tả sông Sài Gòn, trồng cây trên 8km bờ kè, tuyến đê tại dự án chống ngập. |