PHÓNG VIÊN: Thưa giáo sư, ông nhận định thế nào về tác động của CNSH trong sản xuất nông nghiệp tại TPHCM?
GS-TS BÙI CHÍ BỬU: Tốc độ phát triển nông nghiệp của TPHCM năm 2018 là 6,2%, trong khi cả nước 3,86%. Năm 2018, giá trị đất sản xuất nông nghiệp TPHCM bình quân đạt 502 triệu đồng/ha (tương đương 22.000USD), xếp hạng nhất cả nước, xấp xỉ với lãnh thổ Đài Loan và gần bằng một nửa so với Hà Lan (40.000USD/ha/năm).
Trong khi giá trị bình quân 1ha đất nông nghiệp cả nước là 3.900USD/ha/năm. Năm 2019, diện tích ứng dụng công nghệ cao đạt trên 407ha canh tác (tăng 4,8%), góp phần nâng cao giá trị sản xuất, qua các mô hình như trồng rau thủy canh, dưa lưới, trồng ớt ngọt, hoa chuông... trong nhà màng, trên giá thể, với hệ thống tưới nhỏ giọt.
Tỷ lệ ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao tăng nhanh trong giai đoạn 2015-2020. Năm 2010, tỷ lệ này chiếm khoảng 10%, năm 2016 là 35,8% và năm 2018 đạt 38,2%. Công nghệ cao trong nông nghiệp TPHCM có mức đầu tư trung bình là 530 triệu đồng/1.000m2 và suất sinh lời 800 triệu đến 1 tỷ đồng/ha/năm trong sản xuất rau, hoa.
Mỗi năm, nông nghiệp thành phố cung ứng ra thị trường cả nước 45.600 tấn hạt giống các loại, 16 triệu cây giống nuôi cấy mô (giai đoạn 2016-2018), đáp ứng 1,1 triệu ha gieo trồng năm 2018 cho khu vực phía Nam.
Thử nghiệm thích nghi 136 giống cây trồng mới, đưa vào sản xuất 55 giống mới (gồm 46 giống rau, 1 giống lúa và 8 giống hoa). Nhờ vậy năng suất rau TPHCM tăng trung bình 10% năm.
Bảo hộ 6 giống lan Dendrobium mới, 20 quy trình nhân giống in vitro (nguồn từ Sở NN-PTNT TPHCM). Những con số đạt được này có vai trò không nhỏ từ CNSH.
Vì sao ông cho rằng nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực nông nghiệp là điểm yếu?
Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong 7 chương trình đột phá của TPHCM đến năm 2020. Thực tế, nguồn nhân lực về nông nghiệp ở TPHCM hiện nay nhiều về số lượng nhưng lại thiếu ổn định và chưa bền vững.
Việc thiếu hụt nguồn lực khoa học công nghệ chất lượng cao thuộc lĩnh vực CNSH nông nghiệp là nội dung cần xem xét. Có thể nói, nguồn nhân lực ở đây là điểm yếu, cần phải được tăng cường nhiều lần mới đáp ứng mục tiêu phát triển của khu vực.
Đã đến lúc Trung tâm CNSH cần có chính sách đào tạo đặc thù cho đơn vị của mình. Nếu không sẽ rơi vào tình trạng “nặng về hình thức trong phát triển khoa học”, dẫn đến việc chảy máu chất xám diễn ra rất đáng tiếc thời gian qua.
TPHCM đã và đang mạnh dạn đầu tư đào tạo cán bộ khoa học trình độ cao ở trong và ngoài nước. Tại sao không có kế hoạch sử dụng nhân tài khi những nhà khoa học trở về đơn vị?
Đây là lỗi của cơ chế và chính sách quản lý nhân tài. Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cần phải tăng cường đầu tư thời gian và nguồn lực, đặc biệt là cải thiện thu nhập nhà khoa học.
Quản lý khoa học là quản lý nguồn tư duy sáng tạo (creative energy), mà năng lượng ấy rất dễ bị tổn thương bởi các tồn tại nêu trên. Khả năng sáng tạo là yêu cầu chính mà thành phố đang quan tâm. Điều này xuất phát từ “nghiên cứu nguồn” hay còn gọi là “nghiên cứu cơ bản”. Rất tiếc, nghiên cứu cơ bản này đang thiếu sự đầu tư đúng mức, khi cho rằng “cái này thuộc về trung ương”. Có nên chăng, khi tự giới hạn đối tượng nghiên cứu thì ưu tiên cái thuộc về nông nghiệp của TPHCM, thay vì thuộc về nông nghiệp vùng trọng điểm phía Nam?
Là người có điều kiện tiếp cận nhiều tiến bộ kỹ thuật mới của thế giới, ông đề xuất nên phát triển nông nghiệp thành phố theo hướng nào?
TPHCM là đầu tàu kinh tế cả nước và là trung tâm kinh tế phía Nam, chức năng trong lĩnh vực nông nghiệp cũng vậy, không chỉ phục vụ cho thành phố mà còn là trung tâm về công nghệ hạt giống, phát triển những dịch vụ nông nghiệp cần thiết, đảm nhận chức năng logistics cho nông nghiệp phía Nam.
Vì vậy, cần mở rộng đối tượng nghiên cứu, thay vì chỉ tập trung rau và hoa. Đối tượng nghiên cứu theo mục tiêu phát triển cho khu vực nông nghiệp năng động nhất nước. Do vậy, nên bổ sung các đề tài khoa học ứng dụng và khoa học cơ bản cần thiết cho TPHCM, cho khu vực phía Nam; kết hợp với mục tiêu nghiên cứu phải có địa chỉ ứng dụng.
Trung tâm CNSH TPHCM cần tăng cường hợp tác quốc tế, đặc biệt với Trung tâm Nghiên cứu rau hoa châu Á tại lãnh thổ Đài Loan (AVRC), để xây dựng chương trình trao đổi nguồn vật liệu di truyền. Đây là nền tảng phục vụ nông nghiệp công nghệ cao của thành phố xét về lâu dài.
Theo tôi, nội dung nghiên cứu khoa học nông nghiệp đang ở mức độ tiếp cận với sinh học tế bào (nuôi cấy in vitro), đang dần dần tiếp cận với sinh học phân tử; hệ gene học (genomics), chức năng của gene (functional genomics), hệ protein (proteomics).
Cần tham mưu TPHCM về cơ sở pháp lý, khi thế giới đang chuyển từ chuyển nạp gene (gene transformation, giống cây trồng GM) sang công nghệ chỉnh sửa hệ gene và chỉnh sửa gene (gene & genome editing).
Đặc biệt là công nghệ GBS (genotyping by sequencing) hoặc NGS (next generation sequencing) chưa được khai thác bao nhiêu, chưa có đủ nguồn lực. Tin sinh học (bioinformatics) còn một khoảng trống rất lớn. Thế giới đã chuyển từ lượng sang chất, có nghĩa là nông sản đáp ứng yêu cầu dinh dưỡng và thị trường của thực phẩm chức năng.
Cải tiến giống nông nghiệp thông qua hệ gene học (genomics); đặc biệt là GWAS (genome wide association study), NGS (next generation sequenicng) hoặc GBS (genotyping by sequencing) trên cơ sở xây dựng quần thể con lai MAGIC, với nhiều nguồn bố mẹ có chọn lọc.
Cố gắng tiếp cận với di truyền biểu sinh (epigenetics) trong chọn tạo giống kháng với stress sinh học và stress phi sinh học. Xây dựng ngân hàng gene và phòng thí nghiệm hạt giống đạt chuẩn ISTA, phục vụ nông nghiệp khu vực phía Nam, tiến tới xuất khẩu hạt giống mang thương hiệu Việt Nam.