Thông tin từ cuộc họp cho biết, để thuận lợi cho việc kết nối 2 địa phương và đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, sân bay Long Thành và cảng Cái Mép - Thị Vải, tỉnh Bình Phước đề xuất xây dựng cầu Mã Đà. Tuy nhiên, đại diện tỉnh Đồng Nai và các bộ ngành lo ngại tuyến đường này đi qua vùng lõi khu dự trữ sinh quyển thế giới đã được UNESCO công nhận. Do đó, việc xây dựng cầu Mã Đà phải căn cứ theo Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đa dạng sinh học và các quy định hiện hành.
Tại cuộc họp, nhiều ý kiến cho rằng cần có đánh giá, lựa chọn hướng tuyến cụ thể hơn để đảm bảo các yêu cầu quy hoạch, đặc biệt là về môi trường và bảo vệ cảnh quan, di tích lịch sử, di sản văn hóa. Các ý kiến cũng nghiêng về phương án kết nối Bình Phước và Đồng Nai theo đường Vành đai 4 TPHCM, ít ảnh hưởng đến khu dự trữ sinh quyển và chi phí xây dựng thấp. Bộ GTVT cho biết, việc xây dựng cầu Mã Đà sẽ tiếp tục nghiên cứu để tìm phương án tối ưu.
Trước đó, khi có đề xuất xây dựng cầu Mã Đà, Báo SGGP đã tổ chức diễn đàn chuyển tải nhiều ý kiến từ chuyên gia, lãnh đạo địa phương cùng người dân. Trong đó mối quan tâm chung là không để tác động đến môi trường tự nhiên.
Trong ý kiến mới nhất gửi đến Báo SGGP, TS Vũ Ngọc Long, nguyên Viện trưởng Viện Sinh thái học miền Nam, bày tỏ, các con đường xuyên qua rừng đều có tác động đến môi trường tự nhiên, tính đa dạng sinh học, tạo ra mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển. Nhóm thú lớn ở Khu bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai chịu tác động nặng nề nhất của việc mở quốc lộ 13C và xây cầu Mã Đà là quần thể loài voi châu Á (khoảng 20 con) và bò rừng (200 con). Nếu xây dựng hệ thống hàng rào chắn 2 bên đường không thích hợp cho đời sống hoang dã, khi 2 loài này đang có sức khỏe sinh sản tốt và những tập tính di chuyển kiếm ăn của chúng hình thành như một phản xạ tự nhiên rất khó thay đổi.
Ngoài ra, không tránh khỏi việc xây dựng các công trình dân sinh, dịch vụ xã hội 2 bên đường, tạo ra sự xung đột khó giải quyết, sức khỏe hệ sinh thái sẽ suy giảm, các dịch vụ hệ sinh thái cũng sẽ không còn, đẩy các loài sinh vật quý hiếm đến bờ vực tuyệt chủng. Việc xây cầu cạn giao thông trên cao để các loài thú đi lại bên dưới cũng không khả thi, vì nó thích hợp cho du lịch sinh thái, không phù hợp phát triển giao thông liên tỉnh.