Tháng 4-2022, Bộ Tài chính ban hành Chỉ thị số 01/CT-BTC về tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát và chấn chỉnh hoạt động phát hành, đầu tư, cung cấp dịch vụ về trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) phát hành riêng lẻ. Mới đây, bộ này lại tiếp tục phát thông báo cảnh báo rủi ro đến nhà đầu tư; như cần thận trọng, tìm hiểu về năng lực, hiệu quả sản xuất kinh doanh của DN phát hành, nắm rõ các rủi ro pháp lý về TPDN trước khi quyết định đầu tư.
Theo Bộ Tài chính, có 5 nhóm rủi ro mà nhà đầu tư đặc biệt lưu ý trước khi đầu tư TPDN. Thứ nhất, nhà đầu tư cần hiểu rõ TPDN không phải là tiền gửi ngân hàng, phải chấp nhận rủi ro nếu DN không đảm bảo được nghĩa vụ trả nợ gốc, lãi trái phiếu. Thứ hai, đây là sản phẩm đầu tư chỉ dành cho các nhà đầu tư chuyên nghiệp, có năng lực tài chính, có kinh nghiệm. Thứ ba, các tổ chức tín dụng, công ty chứng khoán phân phối chào mời mua TPDN chỉ là trung gian môi giới, hưởng phí, chứ không có nghĩa vụ đảm bảo an toàn cho việc mua trái phiếu. Thứ tư, bảo lãnh “phát hành” trái phiếu không phải là bảo lãnh “thanh toán” trái phiếu. Ngay cả có “bảo lãnh thanh toán” thì cũng xem kỹ phạm vi bảo lãnh. Thứ năm, tài sản đảm bảo của TPDN hay các khoản vay tín dụng có nhiều loại như nhà đất, cổ phần, cổ phiếu, các chương trình, dự án đầu tư...; nhưng nếu tài sản đảm bảo là các dự án, tài sản hình thành trong tương lai hoặc cổ phiếu thì khi thị trường chứng khoán, bất động sản có nhiều biến động, giá trị tài sản đảm bảo có thể bị sụt giảm và không đủ để thanh toán gốc, lãi trái phiếu.
Để tránh rủi ro, khi trực tiếp tham gia đầu tư TPDN riêng lẻ, nhà đầu tư cần yêu cầu DN phát hành trái phiếu cung cấp tình hình tài chính; các chỉ tiêu đánh giá khả năng trả nợ của DN; mục đích phát hành trái phiếu; tài sản đảm bảo của trái phiếu; đặc điểm của trái phiếu, quyền lợi, nghĩa vụ của chủ sở hữu trái phiếu; các cam kết đối với trái phiếu; nghĩa vụ của DN phát hành; nghĩa vụ của tổ chức phân phối đối với trái phiếu… Và đặc biệt, nhà đầu tư cẩn thận khi ký các loại hợp đồng “hợp tác đầu tư” mua TPDN.