Nhiều đề tài thiết thực
Hiện mạng băng rộng chuyên dùng của TPHCM (định danh là mạng MetroNet) đã thực hiện kết nối giữa UBND TPHCM đến các địa phương, đơn vị. Tuy nhiên, mạng MetroNet vẫn còn một số hạn chế như khó mở rộng băng thông, khó điều chỉnh băng thông giữa các đơn vị và bảo mật chưa đảm bảo khi nhiều nhóm khách hàng cùng “chạy” dữ liệu khác trên cùng một tuyến cáp.
Chính vì vậy các chuyên gia thuộc Học viện Công nghệ Bưu chính - Viễn thông (cơ sở tại TPHCM) đã thực hiện nhiệm vụ KH-CN “Thiết kế mạng băng rộng cho thành phố thông minh”. Mạng băng rộng cho thành phố thông minh cơ bản có cấu trúc 3 lớp, gồm: lớp Core, lớp Aggregation và lớp Access, được thiết kế với mục tiêu đảm bảo triển khai trên phạm vi rộng cũng như đáp ứng tốc độ phát triển nhanh các dịch vụ. TS Tân Hạnh, Học viện Công nghệ Bưu chính - Viễn thông, cho biết, đây là hạ tầng để đảm bảo sự kết nối, đáp ứng nhu cầu phát triển linh hoạt, đồng thời có thể tận dụng hạ tầng mạng sẵn có của các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông hiện nay.
Để có cơ sở khoa học trong đánh giá hiện trạng mức độ tự làm sạch, dự báo chất lượng nước của hệ thống kênh, rạch chính ở nội đô TPHCM, nhóm các nhà khoa học của Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ đã thực hiện “Khảo sát, đánh giá chất lượng nước và khả năng tự làm sạch, xây dựng hệ thống dự báo chất lượng nước tự động”. Từ đó, nhóm nghiên cứu đã hoàn thành xây dựng bộ mô hình thủy văn, thủy lực, phục vụ xây dựng bản đồ phân vùng chất lượng nước, xây dựng nền tảng CNTT xử lý cơ sở dữ liệu để đưa các bản tin dự báo, cảnh báo về chất lượng nước kịp thời nhất. Theo TS Lê Thị Phương Trúc, nền tảng CNTT bảo đảm tự động hóa hoàn toàn quá trình vận hành hệ thống dự báo chất lượng nước với mục tiêu đáp ứng các yêu cầu quản lý môi trường thông minh ở đô thị thông minh.
Trước nhu cầu triển khai bệnh án điện tử tại các cơ sở y tế, nhóm chuyên gia tại Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TPHCM) đã triển khai “Xây dựng, thử nghiệm bộ chuẩn dữ liệu dựa trên các nền tảng tiêu chuẩn quốc tế HL7 FHIR và DICOM ứng dụng cho bệnh án điện tử và liên thông dữ liệu giữa các bệnh viện”. Khi ứng dụng thực tế, đây cũng là một nhiệm vụ KH-CN sát với nhu cầu thực tế của các nhà khoa học.
Liên kết Doanh nghiệp - Trường, viện - Nhà nước
Theo Sở KH-CN, TPHCM khuyến khích các nhà khoa học ở trường, viện liên kết nhiều hơn với DN. Sở KH-CN đã tham mưu UBND TPHCM ban hành chương trình nghiên cứu khoa học - phát triển công nghệ và nâng cao tiềm lực KH-CN trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2021-2025, triển khai đặt hàng và tổ chức xét chọn 134/212 nhiệm vụ đăng ký, đến nay có 91 nhiệm vụ được Hội đồng đánh giá đạt và đề nghị triển khai thực hiện. Sở KH-CN ký hợp đồng triển khai mới 64 nhiệm vụ với tổng kinh phí 113,567 tỷ đồng (trong đó kinh phí từ ngân sách là 84,271 tỷ đồng); nghiệm thu 73 nhiệm vụ được Hội đồng đánh giá đạt, tỷ lệ nhiệm vụ ứng dụng trực tiếp là 60,27%.
Giai đoạn 2021-2025, TPHCM tái sắp xếp và nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ KH-CN công lập. Thành phố cũng thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất lao động, chất lượng và năng lực cạnh tranh của DN. Bên cạnh tăng cường mô hình liên kết 3 nhà “Doanh nghiệp - Trường viện - Nhà nước” lấy DN làm trung tâm, thành phố sẽ đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ KH-CN hợp tác quốc tế, tiến hành chuyển giao một số công nghệ chủ chốt nhằm hỗ trợ DN ứng dụng vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Theo đó, TPHCM triển khai 6 chương trình nghiên cứu KH-CN gồm: Chương trình nghiên cứu, phát triển ứng dụng công nghệ phục vụ đô thị thông minh và chuyển đổi số; Chương trình nghiên cứu, phát triển ứng dụng công nghệ công nghiệp; Chương trình nghiên cứu và ứng dụng công nghệ phục vụ bảo vệ và chăm sóc sức khỏe; Chương trình nghiên cứu, phát triển ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao; Chương trình nghiên cứu ứng dụng phục vụ quản lý và phát triển đô thị và Chương trình Vườn ươm khoa học và công nghệ trẻ. Mỗi chương trình có “đầu bài” rõ ràng, ứng dụng trong từng lĩnh vực, ngành cụ thể.
Ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở KH-CN TPHCM, cho biết, những nhiệm vụ KH-CN do TPHCM đặt hàng hoặc hỗ trợ cần đảm bảo 3 yếu tố: giải quyết trực tiếp các vấn đề mà thành phố quan tâm; hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng và năng lực cạnh tranh; nâng cao tiềm lực KH-CN của thành phố. Tất cả hướng đến xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của thành phố. Vì thế, nhiệm vụ KH-CN sẽ theo hướng ứng dụng nhiều hơn, giảm nghiên cứu cơ bản.