Theo TS Đinh Trọng Thắng, Trưởng Ban Chính sách đầu tư (CIEM), phạm vi ưu đãi (ưu đãi theo lĩnh vực và ưu đãi theo địa bàn, quy mô vốn) được quy định trong Luật Đầu tư 2014 là khá rộng. Có 30 lĩnh vực khuyến khích đầu tư và 27 lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư được hưởng ưu đãi về đầu tư, trong đó có ưu đãi về thuế. Có hơn 300 loại khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao được hưởng ưu đãi thuế với các hình thức khác nhau. Ưu đãi về thuế suất và miễn giảm thuế có thời hạn về thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) là phổ biến nhất.
Dẫn lại nhận định của các tổ chức quốc tế về thu hút đầu tư tại Việt Nam, ông Đinh Trọng Thắng cho biết: “Oxfam cho rằng có rất ít bằng chứng chứng minh ưu đãi thuế theo địa bàn khó khăn là có hiệu quả thu hút đầu tư vào các khu vực này, trong khi Ngân hàng Thế giới cho rằng chính sách ưu đãi về thời gian miễn giảm thuế lại vô hình trung khuyến khích doanh nghiệp tránh thuế thông qua cơ cấu lại đầu tư thành dự án đầu tư mới để tiếp tục được hưởng ưu đãi”.
"Sự phức tạp này trong chính sách ưu đãi thực sự đang đặt ra nhiều vấn đề." - PGS, TS Vũ Sỹ Cường (Học viện Tài chính, Bộ Tài chính) bày tỏ tán thành.
"Thứ nhất, tác động của ưu đãi thuế đối với việc phân bổ nguồn lực trong đầu tư còn hạn chế, chưa thu hút được vốn đầu tư vào các địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn. Thứ hai, một số ưu đãi thuế đang trở thành kẽ hở để doanh nghiệp lợi dụng trốn thuế. Thứ ba, ưu đãi thuế tạo ra gánh nặng cho ngân sách" - TS Vũ Sỹ Cường phân tích. |
“Cần tính toán chi phí ngân sách với miễn giảm thuế; rà soát hệ thống pháp luật về ưu đãi thuế để đảm bảo tính nhất quán, tránh xé rào ưu đãi thuế của địa phương”, ông Vũ Sỹ Cường kiến nghị.