Chiều 18-6, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược; dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).
Việc sửa đổi, bổ sung các điều, khoản trong Luật Dược là cần thiết nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, pháp luật trong hoạt động quản lý thuốc.
Đại biểu Quốc hội (ĐB) Văn Thị Bạch Tuyết (TPHCM) cho rằng, cần có chính sách phát triển ngành dược trong nước để có được những loại thuốc tốt, giá thành hợp lý, phục vụ cho người dân, hạn chế lệ thuộc vào thuốc của các hãng dược nước ngoài.
Một góc nhìn khác, ĐB Trần Hoàng Ngân (TPHCM) cho rằng, nếu ngành dược trong nước sản xuất được các loại thuốc tốt để chăm sóc sức khỏe người dân thì quá tốt.
Tuy nhiên, ĐB vẫn đồng tình để người dân tiếp cận nhanh các loại thuốc tốt nhất trên thế giới với giá cả hợp lý. Do đó, ĐB đề nghị, cần có cơ chế để nghiên cứu sản xuất các loại thuốc nội nhưng cũng không nên đóng cửa với các loại thuốc ngoại.
Về vaccine, cần quy định, chính sách để đầu tư nghiên cứu và phát triển các loại vaccine tiêm phòng. ĐB Văn Thị Bạch Tuyết không ủng hộ bán thuốc lẻ qua sàn thương mại. Đồng thời đề nghị, siết chặt hơn việc bán thuốc kê đơn nhằm giúp người dân nâng cao ý thức sử dụng thuốc, không lạm dụng.
ĐB Phạm Khánh Phong Lan (TPHCM) cho rằng, mỗi lần sửa đổi luật là tốn kém và mất thời gian. Cho nên, luật cần có tuổi đời thọ hơn chứ không thể vài năm lại sửa đổi.
Ở lần sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, ĐB Phạm Khánh Phong Lan cho rằng cần tập trung vào việc làm sao có cơ chế, chính sách phát triển ngành công nghiệp dược.
Góp ý cụ thể về kinh doanh thuốc hiện nay, ĐB Phạm Khánh Phong Lan cho rằng, tình trạng bán thuốc trên sàn thương mại điện tử, website nhà thuốc là rất phổ biến và nguy hiểm vô cùng.
ĐB dẫn chứng một thống kê ở các nước phát triển cho thấy, có đến gần 80% thuốc bán trên mạng là thuốc giả. Vì vậy, ĐB đề nghị cần có quy định quản lý chặt chẽ việc này, nhất là liên quan đến bán thuốc qua sàn thương mại điện tử.
Về quảng cáo thuốc, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) nhìn nhận, nếu quảng cáo đúng thì có lợi cho người dân, còn không đúng thì vô cùng có hại, thậm chí đó là hành vi gian dối người tiêu dùng. Do vậy, ĐB đề nghị cần có quy định cụ thể về quảng cáo thuốc trong luật này để bảo vệ quyền lợi, sức khỏe người dân tốt nhất.
ĐB Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM, Trưởng Đoàn ĐBQH TPHCM cũng đặt vấn đề về các cơ chế, chính sách để phát triển công nghiệp dược gắn với ngành dược liệu.
Ở đó có chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư nước ngoài, đầu tư trong nước để khai thác các lợi thế về dược liệu của nước ta. Từ đó, phát triển các loại thuốc hoặc thực phẩm chức năng để chăm sóc sức khỏe cho người dân tốt hơn. Đồng thời nâng cao giá trị kinh tế của ngành dược liệu.
Liên quan đến các thuốc hiếm, ĐB Nguyễn Tri Thức (TPHCM) cho biết, ngành y tế đang gặp khó khăn trong việc mua sắm, dự trữ các thuốc hiếm (thuốc mồ côi) dùng trong cấp cứu. Do vậy, ĐB đề nghị cần bổ sung dự trữ quốc gia thuốc mồ côi dùng trong cấp cứu và giao cho Bộ Y tế tổ chức mua sắm, dự trữ đảm bảo tính sẵn có để sử dụng nguồn thuốc này ngay khi có nhu cầu.
ĐB Nguyễn Tri Thức cho biết thêm, thời gian qua việc thiếu các thuốc phóng xạ dùng chẩn đoán cho bệnh nhân ung thư trên máy PET/CT diễn ra ở hầu hết các bệnh viện không có lò phản ứng sản xuất thuốc phóng xạ.
Trong luật thì quy định các cơ sở khám chữa bệnh được cung cấp cho cơ sở khám chữa bệnh khác theo quy định của Bộ Y tế nhưng thực tế không có thông tư hướng dẫn và vướng luật đấu thầu (Luật Đấu thầu 2023 chưa quy định).
Do vậy, ĐB đề nghị, Bộ Y tế cần có thông tư hướng dẫn để các đơn vị có thể mua được thuốc phóng xạ của nhau, tránh thiếu thuốc phóng xạ dùng chẩn đoán cho bệnh nhân, lãng phí nguồn lực đầu tư và đúng quy định pháp luật. Trong thời gian chưa có quy định thì nên ban hành văn bản hướng dẫn để các cơ sở y tế có đủ căn cứ để thực hiện.
Góp ý về Luật Di sản văn hóa, ĐB Văn Thị Bạch Tuyết (TPHCM) cho rằng, hiện nay, đối với một số ngành về di sản, văn hóa khó thu hút sinh viên theo học. ĐB đề nghị, cần có chính sách khuyến khích người học cũng như chính sách đào tạo, bồi dưỡng cán bộ hoạt động ở những lĩnh vực này. Cùng với đó, cần có chính sách hỗ trợ cho các nghệ nhân để họ duy trì các ngành nghề truyền thống, tiếp nối cho các thế hệ tiếp theo.
Đồng thời, quan tâm chuyển đổi số, số hóa dữ liệu, tài liệu quý có giá trị tránh tình trạng mai một, thất lạc, hư hỏng. ĐB Văn Thị Bạch Tuyết cũng đề nghị bổ sung, quy định về bảo tàng số gắn với các di sản văn hóa phi vật thể, ứng dụng công nghệ thông tin trong các bảo tàng.