Nghiêm túc, khoa học với mảng xanh

Con số thống kê hơn 100.000 cây xanh gãy đổ và những hình ảnh cây bật gốc, gãy cành nằm la liệt khắp thành phố hẳn sẽ còn hằn rất lâu trong ký ức của người dân Hà Nội. Thiên tai là tổn thất lớn và bất khả kháng, nhưng thiên tai cũng đã làm lộ ra nhiều góc khuất.

Còn nhớ, năm 2016, TP Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2025 trồng 1 triệu cây xanh. Và đến năm 2018, mục tiêu này đã được hoàn thành. Nhưng đến cuối năm 2022, những tiêu cực của việc phát triển “nóng” cây xanh đã được Bộ Công an điều tra.

Với cáo buộc “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” để đặt hàng, chỉ định cho một số doanh nghiệp trồng cây, gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng, đã có quan chức thành phố phải lãnh án. Nhưng đó mới chỉ là góc độ hành động trái pháp luật. Cơn bão mạnh lần này đã làm lộ ra một góc khuất khác, đó là phần kỹ thuật.

Rất nhiều cây được trồng lâu năm khi bị bật gốc vẫn còn nguyên cả ni lông bọc bầu đất và dây buộc. Từng có ý kiến ngụy biện, ni lông bọc bầu đất không ảnh hưởng đến cây.

Nhưng mới đây, nhiều chuyên gia đã lên tiếng, việc không tháo dỡ ni lông là cẩu thả, cản trở rễ cây tiếp xúc với đất, khiến cây không thể phát triển tốt, nhất là khi những miếng ni lông rẻ tiền đó không thể tự hủy, có thể tồn tại trong cả trăm năm. Sai sót kỹ thuật này cần được các cơ quan chức năng điều tra, quy trách nhiệm rõ ràng và xử lý nghiêm khắc.

Cũng có ý kiến cho rằng, trong cơn bão vừa qua, nhiều cây đa, rặng sấu cổ thụ có tuổi đời trăm năm vẫn đổ. Nhưng hãy nhớ rằng, toàn bộ những tuyến phố đó có nhiều công trình ngầm hóa nên việc cắt xén rễ cây trong quá trình thi công có thể là nguyên nhân góp phần khiến cây cổ thụ cũng chung số phận với những cây mới trồng.

Để phát triển cây xanh đô thị, các cơ quan quản lý có thể tham khảo tại một số quốc gia, điển hình là Singapore. Chỉ có 5 giống cây chính được trồng trong đô thị của đảo quốc này, trong đó phần lớn là cây mưa, loại cây có ưu điểm thân lớn, bền chắc trong gió bão, tán rộng và thưa, tạo bóng mát nhưng dễ thoát nước mưa.

Để được gọi là quốc gia xanh nhất thế giới, Singapore còn thực hiện rất nhiều giải pháp xanh hóa an toàn, theo cách thức đa tầng: thấp nhất là cỏ, bụi cây con, cây nhỏ, sau đó là tầng trung và tầng cao. Họ đã tạo ra các hình thái vườn trong phố, vườn tường, vườn mái, vườn ban công, vườn sân thượng...

Với tốc độ đô thị hóa nhanh, đã đến lúc việc phát triển cây xanh đô thị cần được thực hiện một cách bài bản, khoa học và nghiêm túc. Trước hết, Bộ Xây dựng cùng các bộ, ngành, địa phương và các nhà khoa học cần vào cuộc để nghiên cứu danh mục giống cây trồng đô thị phù hợp điều kiện thổ nhưỡng, đáp ứng được tiêu chí bảo vệ môi trường, tạo cảnh quan và an toàn với người dân.

Tiếp theo đó, các cơ quan cần làm rõ tiêu chí phân loại cụ thể đối với các loại cây xanh theo kích thước, tuổi đời, quy cách trồng, điều kiện cắt tỉa, chặt hạ, đồng thời khuyến khích người dân tự tạo ra các mảng xanh nhỏ nơi sinh sống.

Chúng ta cần có “cuộc cách mạng” về phát triển mảng xanh, đó là làm thật, làm có tâm, vì mục tiêu môi trường, cảnh quan cho đô thị và an toàn cho người dân.

Tin cùng chuyên mục