Mới đây nhất, Công an TP Đồng Xoài (tỉnh Bình Phước) đã làm việc với người đàn ông đi ô tô bán tải lao lên cabin xe tải (đang dừng chờ đèn đỏ) rồi đấm đá túi bụi vào nam tài xế trước mặt một phụ nữ đang ôm cháu nhỏ ngồi ghế phụ. Người này khai nhận đã uống rượu, không giữ được bình tĩnh nên ra tay hành hung tài xế xe tải, sau khi bị “xe tải vượt mặt, ép”.
Tại TPHCM, ngày 16-12, Công an quận 1 đã bắt khẩn cấp một tài xế ô tô đánh tới tấp một người đi xe gắn máy trước cổng Bệnh viện Từ Dũ. Hành động bạo lực của tài xế ô tô đã được camera ghi lại và chia sẻ trên mạng xã hội, gây phẫn nộ trong dư luận.
Trước đó, ngày 13-12, Công an quận 4 (TPHCM) cũng bắt tạm giam Bùi Thanh Khoa (ngụ huyện Nhà Bè) vì vô cớ đá, đánh tới tấp vào một cô gái sau va quẹt nhỏ khi chạy cùng chiều trên đường Nguyễn Tất Thành… Trong các vụ việc này, lực lượng chức năng đã nhanh chóng vào cuộc, thực hiện các bước cần thiết để nghiêm trị các đối tượng hung hãn và coi thường pháp luật.
Nguyên nhân dẫn đến hành vi côn đồ khi xảy ra va chạm giao thông là do thiếu kiểm soát cảm xúc, thiếu ý thức và văn hóa giao thông. Trước áp lực, căng thẳng trong cuộc sống (như lời khai của Bùi Thành Khoa) và việc thiếu kiểm soát khi có va chạm, nhiều người mất bình tĩnh, để cảm xúc tức giận chi phối. Sự tức giận đó dẫn đến các hành vi bạo lực, gây ra xung đột không đáng có.
Ngoài ra còn có tình trạng người tham gia giao thông không có ý thức tuân thủ quy định pháp luật, không tôn trọng người khác, dẫn đến những hành vi ngang ngược, ứng xử thiếu văn minh và vi phạm pháp luật.
Dù trong bất kỳ tình huống nào, người tham gia giao thông cần giữ được sự bình tĩnh, không để bùng phát thành hành vi côn đồ và vi phạm pháp luật. Khi xảy ra va chạm giao thông, cần cố gắng không để cảm xúc tiêu cực chi phối hành động. Đồng thời, nên kiểm tra tình trạng của người bị va chạm, nếu cần thì phải gọi hỗ trợ y tế ngay. Về giải quyết hậu quả vụ va chạm, nếu hai bên không thỏa thuận được thì cần liên hệ với cơ quan chức năng để được xử lý một cách công bằng và hiệu quả.
Tôn trọng người khác và tuân thủ các quy tắc giao thông, tránh tranh cãi, đổ lỗi hay sử dụng bạo lực là thái độ ứng xử văn minh, lịch sự. Điều đó không chỉ giúp giải quyết tình huống xung đột một cách ôn hòa mà còn góp phần xây dựng môi trường giao thông an toàn và thân thiện.
Vì vậy, để góp phần xây dựng một xã hội trật tự và an toàn hơn, cần có nhiều hình thức giáo dục, tuyên truyền hiệu quả hơn. Đặc biệt là tăng cường giáo dục từ nhà trường, bằng cách đưa giáo dục về an toàn giao thông vào chương trình học từ bậc tiểu học đến trung học. Ý thức và văn hóa giao thông trong các bài giảng trên lớp học sẽ giúp học sinh hiểu rõ, thực hành tốt từ khi còn nhỏ, từ đó hình thành thói quen tốt.
Cùng với đó là có chính sách khuyến khích, khen thưởng đối với những trường hợp có hành vi ứng xử tốt, tạo động lực để mọi người tự giác tuân thủ và thực hiện văn hóa giao thông. Đối với những trường hợp hành xử côn đồ thì nhất thiết phải xử lý nghiêm.
Trong đó, sự vào cuộc quyết liệt, nhanh chóng và kịp thời của các cơ quan chức năng với thái độ nghiêm khắc đối với các cá nhân có thói côn đồ khi tham gia giao thông vừa bảo vệ nạn nhân, vừa xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, đồng thời duy trì trật tự, an toàn giao thông.
Kiên quyết xử lý và công khai rộng rãi kết quả xử lý không chỉ giúp răn đe, ngăn ngừa các đối tượng có ý định vi phạm mà còn góp phần xây dựng, hình thành một môi trường giao thông an toàn, văn minh cho tất cả mọi người.