Đây không phải là vụ việc đầu tiên mà đã có nhiều vụ tương tự xảy ra. Cùng với sự bất chấp, coi thường pháp luật, tấn công lực lượng thực thi công vụ, hành vi bạo lực, thói côn đồ bộc phát cũng diễn ra thường xuyên trên đường phố sau những va chạm giao thông.
Thực tế đã có không ít những vụ va quẹt giao thông dù chỉ là rất nhỏ xảy ra trên đường nhưng xuất phát từ một phần nguyên nhân do nóng nảy, thiếu kiềm chế, nhiều người đã không thể giải quyết bằng việc “thỏa thuận”, thương lượng hoặc chỉ là câu xin lỗi nhau chân thành, mà chọn cách giải quyết bằng những “cú đấm”, những “pha” rượt đuổi.
Vì vậy, nâng cao văn hóa, chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông của mỗi cá nhân là rất cần thiết. Bằng việc kiềm chế, nhường nhịn, bằng những hành động đẹp, có tình người khi tham gia giao thông trên đường phố là trách nhiệm của mỗi công dân.
Đối với các hành vi bạo lực, thói hung hãn, côn đồ của một số ít người, để kịp thời ngăn chặn rất cần sự “hợp sức” của nhiều người khi tham gia giao thông trên đường, giúp đỡ, bảo vệ những người cô lẻ, yếu thế.
Ngoài ra, pháp luật cần nghiêm trị, mạnh tay và kịp thời hơn đối với các hành vi bạo lực, thói hung hãn, côn đồ khi tham gia giao thông. Kịp thời ngăn chặn, khống chế hoặc bắt giữ đối tượng có hành vi côn đồ trên đường phố khi xảy ra va chạm giao thông như đập phá, hủy hoại tài sản hoặc cố ý gây thương tích đối với người khác.
Đối với các hành vi bạo lực, côn đồ như gây thương tích cho người thực thi công vụ, đập phá tài sản khi va chạm giao thông… cần xử lý mạnh tay hơn bằng những chế tài hành chính, nếu nghiêm trọng cần truy cứu trách nhiệm hình sự.