Nghiêm khắc và nhân văn

Trong phiên thảo luận tổ về dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên, một số đại biểu Quốc hội lo ngại rằng, việc rút ngắn thời gian điều tra, truy tố, xét xử và tạm giam người chưa thành niên (NCTN) phạm tội có thể dẫn đến tình trạng thả tội phạm ra đường.

Tuy nhiên, cần thấy rằng, không nên kéo dài thời gian điều tra, truy tố, xét xử NCTN như người trưởng thành. Hình phạt đối với NCTN hiện nay còn quá nặng, nhất là đối với những vụ án nhỏ như đánh nhau, ăn cắp vặt. Những trường hợp này hoàn toàn có thể áp dụng biện pháp tư pháp chuyển hướng, không nhất thiết phải đưa vào trại giam. Nói như Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình: “NCTN không nên bị giam giữ như người lớn mà phải có trại riêng, vì trại giam toàn là tội phạm, đôi khi là tội phạm chuyên nghiệp, có thể biến trẻ em trở nên chuyên nghiệp hơn trong phạm tội”.

Dự án Luật Tư pháp NCTN đảm bảo yêu cầu “vừa nghiêm khắc, vừa nhân văn” là tiến bộ và cần thiết trong bối cảnh nước ta hội nhập quốc tế sâu rộng. Nhiều nghiên cứu cho thấy, nếu trẻ em phạm tội bị đưa vào trại giam sẽ dễ chai sạn với nhà tù và dễ tái phạm. Nhiều nước đã áp dụng biện pháp chuyển hướng, đưa trẻ em ra khỏi trại giam và tỷ lệ phạm tội giảm khoảng 80%. Trại giam không bao giờ được coi là môi trường giáo dục tốt với trẻ em phạm lỗi lầm.

Việc xây dựng một hệ thống tư pháp riêng cho NCTN không chỉ bảo vệ quyền lợi của trẻ em mà còn giúp các em có cơ hội sửa sai và trở thành người tốt, thay vì trở nên nguy hiểm hơn sau khi tiếp xúc với môi trường tội phạm chuyên nghiệp trong trại giam.

Tin cùng chuyên mục