Nghiêm cấm hành vi "mua bán bào thai" trong Luật Phòng, chống mua bán người

Việc thỏa thuận mua bán bào thai thực chất là tiền đề của hành vi mua bán người (mua bán người từ giai đoạn còn đang là bào thai), nhưng việc xử lý hành vi này lại chưa được pháp luật điều chỉnh. Các ĐB yêu cầu quy định nghiêm cấm hành vi này trong Luật Phòng, chống mua bán người. 

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga báo cáo giải trình, tiếp thu dự thảo luật
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga báo cáo giải trình, tiếp thu dự thảo luật

Thảo luận về dự án Luật Phòng, chống mua bán người tại phiên họp của Quốc hội chiều 22-10, ĐB Thạch Phước Bình (Trà Vinh) ghi nhận, cơ quan soạn thảo, thẩm tra đã tiếp thu, bổ sung chỉnh lý nhiều nội dung quan trọng đã được đại biểu góp ý tại kỳ họp thứ 7, chẳng hạn đã bổ sung làm rõ hành vi thỏa thuận mua bán người từ khi còn là bào thai…

Tuy nhiên, theo ĐB, một số nội dung vẫn cần tiếp tục hoàn thiện. “Hỗ trợ về tâm lý cho nạn nhân là hết sức cần thiết nhưng quy định không quá 3 tháng thì hơi ít. Nên quy định dài hơn và theo hướng linh hoạt, tùy từng trường hợp cụ thể. Dự thảo cũng nên bổ sung thêm loại hình, chương trình đào tạo hỗ trợ học văn hóa, học nghề cho nạn nhân và quy định cụ thể hơn để giám sát tốt hơn hoạt động của các cơ sở trợ giúp xã hội”, ông Bình nói.

Đồng tình, ĐB Thái Thị An Chung (Nghệ An) cũng ghi nhận việc dự thảo đã quy định nội dung nghiêm cấm mua bán trẻ em ngay từ trong bụng mẹ. ĐB cho rằng quy định này sẽ góp phần bảo vệ tốt hơn quyền trẻ em, nhưng như vậy vẫn chưa đủ vì hành vi mua bán này có khi không nhằm mua bán trẻ em, mà sử dụng mô, tạng… và mục đích phi nhân đạo khác. ĐB đề nghị quy định rõ hơn về nghiêm cấm “mua bán bào thai người”, đồng thời bổ sung pháp luật có liên quan (chẳng hạn pháp luật hình sự).

phiên chiều .jpg
Quang cảnh hội trường Diên Hồng

Trước đó, báo cáo giải trình, tiếp thu dự thảo luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, về mặt pháp lý thì chỉ được coi là người khi được sinh ra và còn sống. Theo y học thì bào thai cũng chưa được xác định là con người nên quy định việc mua bán bào thai ở luật này có phần chưa phù hợp. Tuy nhiên, những năm qua, tình trạng mua bán bào thai nhằm mục đích mua bán đứa trẻ sau khi được sinh ra đang là thực tế đáng lo ngại. Việc thỏa thuận mua bán này thực chất là tiền đề của hành vi mua bán người (mua bán người từ giai đoạn còn đang là bào thai), nhưng việc xử lý hành vi này lại chưa được pháp luật điều chỉnh.

Trước yêu cầu nâng cao hiệu quả các biện pháp phòng, chống từ sớm, từ xa; đồng thời, tạo cơ sở pháp lý để tiếp tục hoàn thiện pháp luật về xử lý hành vi xâm phạm liên quan đến phụ nữ, trẻ em, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, khoản 2, điều 3 dự thảo Luật đã quy định nghiêm cấm hành vi “thỏa thuận mua bán người từ khi còn đang là bào thai”.

quang cảnh .jpg
Đại biểu Quốc hội dự họp

Liên quan thủ tục tiếp nhận, xác minh người đến trình báo là nạn nhân, ĐB Thái Thị An Chung cho rằng dự thảo gộp chung thủ tục đến trình báo khi người trình báo là nạn nhân với người đến trình báo là đại diện của nạn nhân là chưa hợp lý.

Đặc biệt, ĐB đề nghị bổ sung đối tượng điều chỉnh là nạn nhân bị mua bán ở nước ngoài là người Việt Nam nhưng không có quốc tịch vì không đủ giấy tờ… “Hiện dự thảo mới chỉ quy định là người nước ngoài và người Việt Nam mà bỏ sót đối tượng người chưa có quốc tịch”, ĐB Thái Thị An Chung băn khoăn.

Phát biểu sau đó về đối tượng điều chỉnh của luật, ĐB Lê Xuân Thân (Khánh Hòa) và một số ĐB đều tán thành quan điểm này.

Tin cùng chuyên mục