Những ngày qua, giá vàng trong nước đã đạt kỷ lục mới khi vượt “ngưỡng” 1,7 triệu đồng/chỉ. Giá vàng liên tục lên, xuống từng giờ khiến nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư và người dân quan tâm, lo lắng.
Việc giá vàng tăng, giảm phụ thuộc vào giá thế giới, song điều đáng nói là đang tồn tại một nghịch lý ở thị trường vàng trong nước. Hiện nay, phần lớn lượng vàng giao dịch trên thị trường nước ta là vàng nhập khẩu theo tiêu chuẩn quốc tế.
Theo số liệu của Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam, mỗi năm các doanh nghiệp nhập khẩu vàng cốm, thoi, hạt, miếng… từ nước ngoài khoảng 70 - 80 tấn. Nhưng trên thực tế lượng vàng xuất đi không đáng kể, chủ yếu là vàng đã chế tác, đồ trang sức. Lượng vàng nhập khẩu hàng năm sau đó thường được chế tác thành đồ trang sức, hoặc tồn đọng trong dân dưới hình thức “của để dành”, số lượng có thể lên tới hàng trăm tấn nhưng gần như không sinh lãi đáng kể.
Kim ngạch xuất khẩu vàng của Việt Nam hiện khoảng hơn 100 triệu USD/năm, trong khi con số này năm 2006 ở Thái Lan là hơn 2 tỷ USD, Trung Quốc khoảng 1 tỷ USD. Có những thời điểm giá vàng trong nước có thể thấp hơn giá thế giới đến 40.000-50.000 đồng/chỉ, việc xuất khẩu hoàn toàn có thể mang lại hiệu quả.
Hơn nữa, theo các chuyên gia, nếu tạo điều kiện khuyến khích các doanh nghiệp vàng trong nước xuất khẩu vàng đã chế tác như đồ trang sức, mỹ nghệ cũng là một phương án thu lợi ích kinh tế cao.
Khi đó, sẽ có một nguồn thu ngoại tệ không nhỏ bảo đảm cân đối số tiền nhập vàng về nước, góp phần ổn định thị trường vàng và nâng tầm của các doanh nghiệp vàng, mỹ nghệ trong nước. Hơn nữa, xuất khẩu vàng sẽ giúp giải quyết lượng vàng tồn dư trong dân không mấy hiệu quả, tạo nguồn vốn khả dụng cho các ngân hàng khi nhận gửi vàng, bảo đảm cân đối lãi suất tiền gửi, giữ ổn định giá trị đồng nội tệ và điều hòa mối quan hệ giữa giá vàng với TTCK và BĐS. Và khi đó, chắc chắn sẽ không xảy ra những “cơn sốt” tranh mua, tranh bán khi giá vàng tăng giảm như trong thời gian qua, gây xáo trộn thị trường.
ĐẦU TƯ TÀI CHÍNH