Từ khi mua được hải cảng đầu tiên tại châu Âu là Piraeus của Hy Lạp, tập đoàn Cosco của Trung Quốc ăn nên làm ra, biến nơi đây thành cửa ngõ để đi vào châu lục. Ông Yu Zenggang, người đứng đầu cơ quan quản lý cảng Piraeus, cho hay: “Năm 2018 là một năm hoàn toàn thành công và thắng lợi. Những thành tựu kinh tế của cảng phù hợp với nền kinh tế Hy Lạp, và các khoản đầu tư trong tương lai của chúng tôi sẽ tạo thêm tăng trưởng và nhiều công ăn việc làm mới”. 4 tháng đầu năm 2019, tăng trưởng tại Piraeus đạt mức trên 23%.
Bắc Kinh muốn biến Piraeus thành một điểm đến chính trong “Con đường tơ lụa mới”, giúp Trung Quốc tiêu thụ được hàng hóa tại châu Âu và tăng cường quyền lực mềm. Nektarios Demenopoulos, phát ngôn viên ban quản lý cảng, khẳng định: “Cảng Piraeus trong năm 2019 sẽ vượt qua cảng Valencia của Tây Ban Nha, trở thành hải cảng hàng đầu ở Đại Tây Dương, và thứ 4 hoặc thứ 5 của châu Âu. Đây là đầu tư có lợi cho người Hy Lạp, 2.000 việc làm trực tiếp liên quan đến hoạt động cảng đã được tạo ra”.
Tuy nhiên, theo tờ Le Monde, có một nghịch lý là trong khi Cosco giàu lên thì tỷ lệ thất nghiệp tại khu vực cảng và xung quanh lại tăng cao. Giorgos Gogos, Tổng thư ký nghiệp đoàn công nhân cảng khi cho biết Cosco thành công nhờ giảm giá thành lao động. Những công nhân làm việc tại các bến cảng container đại đa số do các công ty dịch vụ lao động thời vụ tuyển vào, họ ít quan tâm đến việc tôn trọng quyền của người lao động. Một hợp đồng lao động tập thể đã được ký kết cách đây vài tuần. “Đó là một bước tiến giúp lập ra các quy định về lương tối thiểu, kỳ nghỉ có lương…, nhưng tiếc thay, lại không áp dụng cho lao động thời vụ”, ông Gogos nói.
Vaggelis Mantis đã nếm mùi công việc nặng nhọc ở bến cảng container. Sau một hợp đồng ngắn hạn 2 tháng ở Công ty Piraeus Container Terminal (PCT), một chi nhánh của Cosco, anh không được gia hạn hợp đồng và không được trợ cấp thất nghiệp, do thời gian đóng góp chưa đủ. Người thanh niên 30 tuổi kể lại trong thời gian làm việc cho PCT, công nhân thậm chí không có quyền nghỉ một chút để đi vệ sinh, bị buộc phải làm việc một cách hiệu quả nhất, có khi ngất xỉu tại chỗ.
Tại các địa phương quanh cảng Piraeus, việc phát triển của cảng này gây lo ngại. Panagiotis Karagiannakis, Phó Thị trưởng Perama, than phiền: “Hiện chúng tôi chưa nhìn ra được lợi ích nào đáng kể cho thành phố. Người Trung Quốc lập ra các chi nhánh để giao cho nhau những hợp đồng thầu phụ đủ loại, chứ hiếm khi làm việc với các công ty Hy Lạp. Họ hứa sẽ tái thúc đẩy các hoạt động ở những xưởng sửa chữa tàu, nhưng vẫn chưa thấy rục rịch gì cả”. Trong khi đó, bà Vasso, một người thất nghiệp, cho biết dù Trung Quốc đầu tư vào cảng Piraeus, bà thấy cuộc sống hàng ngày không khá hơn chút nào.
Georges Tzogopoulos, chuyên gia về Trung Quốc của Trung tâm thông tin châu Âu, nhận định Trung Quốc “dòm ngó” các cảng và công ty năng lượng ở khắp nơi trên thế giới không chỉ vì lợi ích kinh tế mà còn về ảnh hưởng địa chính trị. Cosco nắm 67% vốn của cảng Piraeus và có quyền quản lý các hoạt động vận chuyển container cũng như hành khách cho đến năm 2052. Không chỉ có hoạt động cảng container, Cosco còn muốn biến cảng Piraeus thành điểm đến hàng đầu của các tàu du lịch châu Âu, đã dự trù một kế hoạch đầu tư 600 triệu EUR, gồm trung tâm thương mại, khách sạn sang trọng, các bến cảng mới đón tàu du lịch … Tờ Le Monde kết luận: Trong khi chờ đợi, người dân Hy Lạp tại địa phương mòn mỏi đi tìm việc làm với chiếc bụng rỗng.