Kẻ ăn không hết, người lần không ra
Năm 2021, Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường TPHCM tuyển 1.800 chỉ tiêu cho 17 ngành, với 4 phương thức tuyển sinh. Trong đó, phương thức xét bằng điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2021 là 793 chỉ tiêu. Thế nhưng, khi công bố điểm chuẩn và công nhận danh sách thí sinh trúng tuyển theo phương thức này lại có 2.349 thí sinh trúng tuyển, vượt đến 1.556 chỉ tiêu. Nếu tính riêng từng ngành sẽ càng thấy rõ điều bất hợp lý này: ngành quản trị kinh doanh có 943 thí sinh trúng tuyển/60 chỉ tiêu, vượt chỉ tiêu 15,71 lần; ngành công nghệ thông tin có 445 thí sinh trúng tuyển/55 chỉ tiêu, vượt hơn 8,09 lần; ngành quản lý đất đai có 573 thí sinh trúng tuyển/125 chỉ tiêu, vượt 4,6 lần.
Ở Trường ĐH Công đoàn, một số ngành có số thí sinh trúng tuyển năm 2021 vượt rất xa so với chỉ tiêu được công bố. Ngành công tác xã hội có số thí sinh trúng tuyển là 446/200 chỉ tiêu (vượt 123%), ngành xã hội học là 405/200 (vượt hơn 100%). Các ngành như bảo hộ lao động, quan hệ lao động đều vượt 80%.
Tại Trường ĐH Đà Lạt, ngành kế toán có 50 chỉ tiêu nhưng trường tuyển đến 548 thí sinh. Ngành quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành tuyển 130 chỉ tiêu, nhưng trường gọi trúng tuyển 655 thí sinh; ngôn ngữ Anh 130 chỉ tiêu, tuyển 342 thí sinh; Đông phương học 125 chỉ tiêu, tuyển 331 thí sinh.
Ở Trường ĐH Đồng Nai, ngành giáo dục tiểu học có 546 thí sinh trúng tuyển/350 chỉ tiêu, ngôn ngữ Anh có 283 thí sinh trúng tuyển/100 chỉ tiêu.
Trong khi đó, các ngành kỹ thuật may, nông lâm - thủy sản, hải dương học, khí tượng thủy văn, bảo dưỡng công nghiệp ở nhiều trường có số thí sinh đăng ký ít hơn chỉ tiêu cần tuyển, nên năm nào điểm chuẩn cũng ở mức thấp nhất và tuyển đủ chỉ tiêu luôn là điều mơ ước của các trường.
Thống kê từ Bộ GD-ĐT cho thấy, cả nước có hơn 1 triệu thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2021 và xét tuyển ĐH. Tổng số nguyện vọng (NV) đăng ký xét tuyển ĐH là hơn 3,8 triệu (khi điều chỉnh NV lên đến gần 4 triệu) trên 544.578 chỉ tiêu (số NV đăng ký cao gấp 6,977 lần so với chỉ tiêu). Dù số NV đăng ký so với tổng chỉ tiêu là rất dồi dào về nguồn tuyển, nhưng thực tế vẫn có nghịch lý: ngành bão hòa, dư thừa vẫn thu hút nhiều NV, ngành có nhu cầu lớn lại ít NV.
Nhóm ngành báo chí và thông tin có 100.120 NV/6.539 chỉ tiêu (NV cao hơn 15,3 lần so với chỉ tiêu).
Nhóm ngành kinh doanh và quản lý, pháp luật (nhóm ngành III) có 1.253.021 NV/118.579 chỉ tiêu (NV cao hơn 10,5 lần so với chỉ tiêu). Nhóm ngành an ninh, quốc phòng có 39.492 NV/6.280 chỉ tiêu (NV cao hơn 6,28 lần). Trong khi đó, nhóm ngành thú y, khoa học sự sống, khoa học tự nhiên nếu tính theo số lượng NV1 (NV ưu tiêu cao nhất) đăng ký so với chỉ tiêu thì đáng báo động. Ngành thú y có 2.371 NV/3.000 chỉ tiêu, ngành khoa học sự sống chỉ có 1.552 NV/5.938 chỉ tiêu, ngành khoa học tự nhiên chỉ có 912 NV/4.525 chỉ tiêu.
Đào tạo chưa theo sát nhu cầu thị trường lao động
Nếu căn cứ theo Quyết định 579 của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011-2020, thì hiện nay có nhiều nhóm ngành đã vượt ngưỡng và một số nhóm ngành chưa đạt được mục tiêu đề ra.
Nhóm ngành quản lý nhà nước, hoạch định chính sách và luật quốc tế đến năm 2020 chỉ tiêu là 20.000 sinh viên; nhóm ngành tài chính - ngân hàng chỉ tiêu là 120.000 sinh viên; nhóm ngành khoa học, công nghệ 100.000 chỉ tiêu; nhóm ngành y tế, chăm sóc sức khỏe chỉ tiêu là 80.000, nhóm ngành công nghệ thông tin 550.000.
Thực tế cho thấy, riêng năm 2021 chỉ tiêu tuyển sinh nhóm ngành III (kinh doanh và quản lý, pháp luật) là 118.579, nếu tính luôn quy mô đào tạo (từ năm 1 đến năm 4) hiện nay thì vượt mục tiêu ít nhất gấp 3 lần. Còn nhóm ngành khoa học máy tính và công nghệ thông tin chỉ tiêu tuyển sinh năm 2021 chỉ có 49.555, nếu tính luôn quy mô đào tạo hiện nay chưa đạt 50% mục tiêu của chiến lược…
TS Hoàng Ngọc Vinh, thành viên tổ tư vấn của Ủy ban Đổi mới giáo dục quốc gia giai đoạn 2016-2021, nhìn nhận: Có sự tồn tại nghịch lý thừa - thiếu như hiện nay là do khi làm quy hoạch tổng hợp phát triển nguồn nhân lực, có thể tính toán dự báo không sát, không điều chỉnh mục tiêu cũng như những giải pháp. Bên cạnh đó, cách xác định chỉ tiêu tuyển sinh vẫn dựa vào nguồn lực đầu vào (giảng viên cơ hữu/sinh viên, diện tích sàn xây dựng trên mỗi sinh viên) mà không dựa vào nhu cầu thị trường để sớm điều tiết quy mô. Đào tạo phải theo nhu cầu của thị trường lao động chứ không phải khả năng đến đâu đào tạo đến đó. Chính vì vậy mới tồn tại cách làm “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”, những bất cập thừa - thiếu, và cả thừa nhưng vẫn thiếu.
Trong khi đó, theo TS Trần Đình Lý, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TPHCM, định hướng nghề nghiệp khi chọn ngành, chọn trường, thậm chí bậc học, là câu chuyện quan trọng nhưng vẫn còn nhiều lỗ hổng chưa thể giải quyết. Tình trạng ngồi nhầm chỗ, chọn ngành theo đám đông là nguyên nhân của việc khi học - hành, cọ xát thực tế nhiều em cảm thấy thật sự không phù hợp, bỏ học giữa chừng. Do đó, thí sinh cần lưu ý lấy gốc là hướng nghiệp, nghĩa là bản thân phù hợp lĩnh vực nghề nghiệp nào, sau đó mới chọn ngành và chọn trường.
ThS Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, Trường ĐH Công nghệ thực phẩm TPHCM, cho biết: Thực ra, việc tìm kiếm việc làm và nhu cầu thị trường sẽ quyết định tới việc học gì của các em. Điều này phản ánh tâm lý thí sinh thích những ngành học kinh tế, du lịch... hơn. Sở dĩ có thực tế trên là do công tác hướng nghiệp chưa đúng và trúng, nên các thí sinh vẫn thích học đại học hơn; và ngay cả các trường THPT vẫn lấy tỷ lệ học sinh vào ĐH làm thước đo cho uy tín, chất lượng.
“Dù tự chủ đại học (có tự chủ tuyển sinh) nhưng quản lý nhà nước vẫn phải có sự điều tiết vĩ mô nhằm đảm bảo sự phát triển cân đối ngành nghề và trình độ như luật định. Nếu không có sự can thiệp của cơ quan quản lý thì quy hoạch sẽ phá vỡ và khó đạt mục tiêu như kỳ vọng”, TS Hoàng Ngọc Vinh nhấn mạnh. |