Trong khi đó, những ngành luôn thu hút đông thí sinh đăng ký thực tế ra trường tìm kiếm việc làm rất khó khăn, thậm chí thất nghiệp. Đây là một nghịch lý trong lựa chọn ngành nghề của thí sinh.
Ngành “ế” nhu cầu lại cao
Thống kê từ Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT) trong đăng ký nguyện vọng (NV) năm 2019 cho thấy, số thí sinh đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH và trường có đào tạo ngành sư phạm các trình độ cao đẳng, trung cấp tiếp tục giảm thêm 5,14% so với năm 2018. Trong khi đó, tổng chỉ tiêu xét tuyển năm nay lại tăng: 489.637 chỉ tiêu, bình quân mỗi chỉ tiêu có tới 5,3 NV (năm 2018 là 6,04).
Còn theo báo cáo của các địa phương (nhất là TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng...), nhu cầu về giáo viên bậc mầm non, tiểu học thiếu rất nhiều. Đây là một nghịch lý và cũng là bài toán “cung” không đáp ứng đủ “cầu” mà các bên (cơ sở đào tạo, tuyển dụng của địa phương) chưa tìm được lời giải.
Trong khi đó, tình hình đăng ký vào những ngành nghề ở các trường cũng có sự khác biệt rất lớn. Tại Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TPHCM), năm 2019 tình hình thí sinh đăng ký xét tuyển tương đương như năm 2018, với 15.275 thí sinh trên 20.232 NV. Tổng số NV nhiều nhất ở nhóm ngành Máy tính và Công nghệ thông tin, với hơn 5.800 NV. Nếu tính tổng số từ NV1 - NV3 thì tăng hơn so với năm 2018 ở các nhóm ngành Công nghệ thông tin, Công nghệ sinh học, Hóa học, Công nghệ kỹ thuật hóa học, Kỹ thuật điện tử - viễn thông.
Các ngành Sinh học, Vật lý học, Khoa học Vật liệu, Toán học, Hải dương học, Địa chất học hay các chương trình đào tạo nguồn nhân lực cho Tây Nam bộ thì NV1 rất ít, chỉ tập trung ở NV2 và 3 so với chỉ tiêu từng ngành (với chỉ tiêu 50% theo phương thức xét bằng điểm THPT quốc gia 2019). Đáng nói là ngành Hải dương học có 80 chỉ tiêu, nhưng NV đăng ký chưa bằng chỉ tiêu.
Phân tích từ thực tế của Trường ĐH Bách khoa TPHCM, PGS-TS Bùi Hoài Thắng cho biết một số ngành đào tạo của trường không gây “ấn tượng” với thí sinh mặc dù nhu cầu lao động của xã hội đối với các ngành đó rất cao, như: Nhóm ngành Kỹ thuật địa chất/Kỹ thuật dầu khí; nhóm ngành Kỹ thuật môi trường/Quản lý tài nguyên và môi trường; Kỹ thuật vật liệu; Kỹ thuật trắc địa - Bản đồ; Kỹ thuật vật liệu xây dựng; Vật lý kỹ thuật; Cơ kỹ thuật; Bảo dưỡng công nghiệp.
Chọn ngành nghề theo tiêu chí nào?
Theo TS Trần Đình Lý, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TPHCM, định hướng nghề nghiệp và ngành, trường, thậm chí bậc học, là câu chuyện quan trọng.
Thí sinh cần lưu ý lấy gốc là hướng nghiệp, nghĩa là bản thân phù hợp lĩnh vực nghề nghiệp nào, sau đó mới chọn ngành và chọn trường. Để có thể thực hiện ước mơ, các em có thể học bất kỳ ngành nào, miễn là thấy phù hợp và yêu thích. Trong đó, thí sinh phải chú ý tầm quan trọng của sự phù hợp, chứ không phải thích.
Nếu các em trắc nghiệm mà thấy không phù hợp thì không nên đăng ký nhóm ngành thú y, nông lâm, thủy sản… tại Trường ĐH Nông Lâm, vì những ngành này có nhiều kỳ thực tập để các em cọ xát với thực tế. Có nhiều em qua kỳ thực tập cảm thấy mình thật sự không phù hợp.
PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, phân tích: Một thực trạng hiện nay là thí sinh hay chọn ngành theo đám đông, rất nhiều em khi vào học mới phát hiện mình chọn sai ngành. Đa số các ngành tuy nhu cầu công việc nhiều nhưng thí sinh đăng ký ít là do các em có ít thông tin về ngành nghề.
Các ngành này thường là các ngành mới mở nên các em ít tham khảo, vì trên thực tế thí sinh hay hỏi ý kiến của cựu sinh viên trên các diễn đàn để đăng ký, mà ngành mới thì chưa có cựu sinh viên. Những ngành mới như Năng lượng tái tạo, Kỹ nghệ gỗ, Điện tử y sinh... của trường có số đăng ký ít một phần cũng vì thí sinh nghĩ ngành mới nên chưa biết nguồn lực của trường và chất lượng đào tạo ra sao.
Do đó, các em còn đợt điều chỉnh NV sau khi có điểm thi, thí sinh cần theo dõi thông tin và tìm hiểu ngành nghề kỹ hơn khi điều chỉnh NV. Ngoài ra, các trường cũng phải nghiên cứu, tạo điều kiện mở để các em có thể chuyển đổi ngành học, hơn là biết chọn sai ngành nhưng vẫn phải học.
Những ngành như Công nghệ chế biến thủy sản, Công nghệ vật liệu (Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TPHCM) hiện đang có lượng thí sinh đăng ký ít, trong khi những ngành này đang có nhu cầu tuyển dụng lớn tại các doanh nghiệp thủy sản ở miền Tây và thu nhập của lao động lên đến 14 triệu đồng/tháng. Phụ huynh và thí sinh thường bó hẹp suy nghĩ về việc làm, ví dụ như học chế biến thủy sản thì chỉ có vào xưởng chế biến thủy sản và tiếp xúc với tôm cá. Thực tế học ngành này, các em có nhiều hướng đầu ra trong các vị trí việc làm ở các doanh nghiệp thực phẩm, thủy sản, như ở bộ phận R&D sản phẩm, bộ phận điều hành sản xuất, bộ phận kinh doanh... |