Ngày 12-9, Báo Người Lao Động tổ chức tọa đàm “Xu hướng và giải pháp cho thị trường tuyển dụng lao động số lượng lớn”.
Tại tọa đàm, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động Tô Đình Tuân nhận xét, thị trường lao động Việt Nam đã có dấu hiệu phục hồi nhưng vẫn tồn tại những mặt hạn chế. Đó là sự mất cân đối cung - cầu lao động cục bộ và sự phát triển không đồng đều giữa các vùng miền, khu vực, ngành nghề kinh tế. Ngoài ra, cơ chế kết nối cung - cầu và tự cân bằng của thị trường còn yếu.
Bà Hoàng Thị Minh Ngọc, Giám đốc vận hành Chợ tốt kiêm Giám đốc Việc làm tốt thông tin, trong tháng 8-2024, đơn vị khảo sát 300 doanh nghiệp, 1.600 người lao động cần tuyển dụng và cần tìm việc. Kết quả cho thấy, nhu cầu tuyển dụng trên trang tăng 30% so với cùng kỳ năm 2023, tập trung ở các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Các nhóm nghề: tài xế và kho vận; công nhân; xây dựng và bất động sản có tốc độ tăng trưởng tuyển dụng cao nhất.
Trong đó, 85% doanh nghiệp cho biết đang gặp phải tình trạng thiếu lao động, 30% doanh nghiệp thiếu hơn một nửa lao động so với nhu cầu.
Tuy nhiên, theo số liệu của Cục Việc làm, Bộ LĐTB-XH, có hơn 1,06 triệu người trong độ tuổi lao động không có hoặc thiếu việc làm, không tham gia lao động. Trong khi các doanh nghiệp cần tuyển hơn 836.000 lao động phổ thông nhưng không tuyển được.
Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp, nhất là các đơn vị trong ngành may mặc gặp phải nhiều trở ngại, khó khăn trong công tác tuyển dụng nhân sự.
Ông Trần Thanh Sơn, Trưởng phòng Nhân sự Công ty TNHH May mặc Song Ngọc, cho biết, công ty đã cam kết đảm bảo tổng thu nhập khoảng 12 triệu đồng/tháng (trong đó 25% thu nhập đến từ việc tăng ca) nhưng vẫn khó tuyển người. Theo ông Sơn, đầu năm 2024 đến nay, đơn hàng ở nhà máy dồi dào. Công ty mở rộng thêm 2 chuyền sản xuất, dự định mở thêm 2 chuyền nữa nhưng phải hủy bỏ kế hoạch vì không tuyển được lao động.
Còn ông Bùi Việt Nam, Giám đốc Truyền thông thương hiệu Tổng Công ty CP May Nhà Bè cho rằng nhu cầu tuyển dụng tăng cao nhưng gặp khó khăn. Hiện nay nhóm lao động trẻ không mặn mà với những công việc như sản xuất. Đến với tọa đàm, ông Nam mong muốn tìm kiếm giải pháp để làm sao có thể tuyển dụng, đào tạo và giữ chân người lao động trong bối cảnh hiện nay.
Theo bà Lê Thị Bích Hằng, Công ty CP In số 7, từng kỳ vọng tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp có thể làm việc ngay nhưng điều này là không khả thi và công ty vẫn phải đào tạo lại. Tuy nhiên, điểm mạnh của lao động trẻ là sự năng động, sáng tạo và nhiệt huyết.
Nhận thấy tiềm năng này, Công ty in 7 mở cơ hội cho sinh viên năm 3 và 4 thực tập có lương tại doanh nghiệp. Điều này giúp phần nào giải quyết vấn đề khó khăn trong tuyển dụng và xây dựng đội ngũ nhân lực chất lượng tại công ty.
Ông Phạm Anh Thắng, Phó Chánh Văn phòng Bộ LĐTB-XH, Trưởng Văn phòng đại diện của Bộ LĐTB-XH tại TPHCM chia sẻ, cả nước hiện có 52,4 triệu lao động, trong đó tỷ lệ tham gia lực lượng lao động hiện nay là 68,9%.
“Trong bối cảnh của nền công nghệ số, chuyển đổi số, chúng ta đang đối mặt với khó khăn trong tiếp cận người lao động”, ông Phạm Anh Thắng đánh giá.
Theo ông Phạm Anh Thắng, tỷ lệ người lao động qua đào tạo hiện nay rất cao nhưng tỷ lệ lao động qua đào tạo mà có bằng cấp, chứng chỉ lại không cao. Bởi một phần doanh nghiệp tự đào tạo cho người lao động sau khi tuyển dụng nhưng không có chức năng cấp bằng, chứng chỉ.
Ông Phạm Anh Thắng thông tin, hiện cả nước có 1.886 cơ sở đào tạo nghề, hoàn toàn đủ điều kiện đào tạo cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp cần liên kết với các cơ sở đào tạo này để đào tạo người lao động để có được lực lượng lao động có tay nghề.
Ông Phạm Văn Cẩn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động (Sở LĐTB-XH TPHCM), trên cơ sở kết quả khảo sát cung - cầu lao động 9 tháng đầu năm, dự báo nhu cầu nhân lực quý IV-2024 cần khoảng từ 78.120 đến 83.328 lao động.
Ông Đàm Trung Hiếu, Phó Trưởng Phòng Quản lý Lao động Ban Quản lý các KCX-CN TPHCM cho biết, nhu cầu tuyển dụng tại các doanh nghiệp trong các KCX-CN thành phố hiện nay là 7.392 lao động. Trong đó, lao động có trình độ đại học trở lên là 1.005 người, tập trung ở các doanh nghiệp ngành công một nghệ thông tin, công nghệ cao; lao động có trình độ cao đẳng, trung cấp cần 650 người; lao động phổ thông cần 5.698 người, các doanh nghiệp ngành may mặc cần 3.402 người.