Nông dân khó tiếp cận nguồn giống tốt
Cây mía - nguyên liệu tất yếu trong ngành sản xuất mía đường, yếu tố quan trọng tạo nên diện mạo ngành mía đường Việt Nam, đang đứng trước nguy cơ bị bỏ quên khi cơ cấu cây trồng bị thay thế. Để thúc đẩy chuyển đổi trồng trọt từ nông nghiệp thủ công, trong nhiều năm trở lại đây, các doanh nghiệp đã có những hỗ trợ tích cực nhằm đưa cơ giới vào đồng ruộng.
Thậm chí, có doanh nghiệp còn đưa thiết bị cơ giới nông nghiệp hàng đầu thế giới về phục vụ. Nhưng công cuộc cơ giới hóa đó còn gặp nhiều khó khăn, nhất là trong điều kiện diện tích canh tác mía còn manh mún và thiếu quy hoạch bài bản như hiện tại. Đây là trở lực quan trọng mà tự thân nông dân và doanh nghiệp không thể tự tháo gỡ mà cần những hành lang pháp lý của Nhà nước. Cho đến khi đó, nông dân và doanh nghiệp vẫn loay hoay trong bài toán hiệu quả của cây mía. Hệ quả là nhiều diện tích nhỏ lẻ đã không thể duy trì, vùng nguyên liệu mía ngày càng thu hẹp.
Từ năm 2002-2019, năng suất cây mía chỉ tăng 22% (nguồn: FAO). Đây là mức tăng khiêm tốn với tiềm năng của cây mía khi nhiều giống mía có năng suất khảo nghiệm lên tới cả trăm tấn/ha. Trong cơ cấu giống mía ở Việt Nam năm 2009, các giống mía ngoại nhập chiếm tỷ lệ rất cao, hơn 98,8%. Trong đó các giống mía có nguồn gốc từ Đài Loan chiếm tỷ lệ cao nhất (32,52%), tiếp đến là các giống mía có nguồn gốc từ Trung Quốc (19,57%), từ Thái Lan (18,42%), từ Pháp (11,72%), từ Cuba (10,72%) và từ các nguồn khác chiếm 5,81%. Giống mía do Việt Nam lai tạo mới chỉ chiếm 1,24% trong cơ cấu bộ giống mía ở Việt Nam.
Do phụ thuộc vào các giống mía ngoại nhập về Việt Nam, nên người dân khó tiếp cận được nguồn giống thuần, sạch bệnh và có nguồn gốc rõ ràng. Điều này dẫn đến một thực tế là nghề trồng mía tại nhiều địa phương vẫn giậm chân tại chỗ với kỹ thuật canh tác truyền thống, còn năng suất và chữ đường ngày một kém đi do bệnh hại tích lũy và thoái hóa giống dẫn đến nhiều diện tích đã phải chuyển qua các cây trồng khác do thiếu hiệu quả kinh tế.
Trước tình hình khó khăn đó, nhiều địa phương đã đưa cây mía ra khỏi danh mục cây trồng ưu tiên. Điều này càng khiến ngành mía đường gặp khó, nhất là tại các vùng có nhà máy ép mía. Lượng mía giảm khiến nhà máy hoạt động kém hiệu quả, chi phí sản xuất gia tăng, lợi nhuận giảm, đồng nghĩa với việc chia sẻ giá trị với nông dân suy giảm.
Liên kết chặt chẽ để sản xuất
Liên quan đến bài toán phát triển vùng nguyên liệu mía, theo GS-TS Võ Tòng Xuân, để khôi phục và phát triển diện tích cây mía, trong sản xuất phải có tổ chức theo hướng hợp tác hóa, thành lập hội, hợp tác xã những người trồng mía cho từng vùng, từng nhà máy, sau đó phát triển thành hiệp hội của tỉnh và nhân tố này sẽ tạo được sự liên kết chặt chẽ để sản xuất hiệu quả.
Từ thực tế, chi phí thuê đất, thu hoạch, vận chuyển hiện đang chiếm một tỷ trọng rất lớn trong giá thành sản xuất mía dẫn đến lợi nhuận của nông dân không cao, cây mía bị lép vế trong cạnh tranh cây trồng. Điều này tạo ra thế lưỡng nan của người trồng mía và doanh nghiệp, cây mía không phát huy được ưu thế quy mô mà ngày càng bị thu hẹp trong “chiếc áo” quy hoạch cây trồng cũ. Do đó, “cánh đồng mía lớn” vừa là tiền đề vừa là mục tiêu cần đạt được để phát triển lại vùng nguyên liệu.
Không có “cánh đồng mía lớn” sẽ không thể áp dụng khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa hiệu quả. Thực tế đã chứng minh, hiệu quả đạt được từ “cánh đồng mía lớn” là rất rõ ràng. Tuy nhiên, muốn xây dựng được thành công mô hình này thì cần có sự liên kết, ý chí quyết tâm rất cao từ các bên, chứ không thể từ một bên đơn lẻ nào.
Trong điều kiện thị trường có nhiều diễn biến bất lợi dẫn đến vùng nguyên liệu mía bị suy giảm nghiêm trọng, hàng ngàn hécta mía bị chuyển đổi sang cây trồng khác, nhà máy thiếu mía nguyên liệu. Điều này đang tác động tiêu cực lên ngành mía đường trong nước. Về vấn đề này, theo TS Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, việc nhập đường thô do thiếu mía nguyên liệu là rất bất ổn, về lâu dài cần phát triển ổn định vùng nguyên liệu mía.
Các thành phần quan trọng nhất cần liên kết với nhau trong chuỗi sản xuất mía đường là nhà nông, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học và Nhà nước và đại diện cho quyền lợi của ngành mía đường - Hiệp hội Mía đường. Để có thể giải quyết vấn đề này thì cần tất cả các bên làm tốt nhiệm vụ của mình, phối hợp chặt chẽ, tạo thành một chuỗi giá trị xuyên suốt từ canh tác, sản xuất đến phân phối để kết hợp sức mạnh, tạo nên sự cộng hưởng.
Ngay từ đầu năm 2021, Quyết định 477/QĐ-BCT áp thuế chống bán phá giá và thuế trợ cấp tạm thời với sản phẩm đường mía từ Vương quốc Thái Lan đã ngay lập tức tạo luồng sinh khí mới cho ngành mía đường trong nước. Thị trường được bảo vệ khỏi cạnh tranh không lành mạnh, doanh nghiệp và nông dân được chia sẻ lợi ích.
Trong bức tranh toàn cảnh này, ở tầm vĩ mô, Nhà nước đóng vai trò rất quan trọng trong việc phát triển vùng nguyên liệu bằng cách thiết lập khung chính sách, pháp lý minh bạch, chặt chẽ giúp tạo ra môi trường cạnh tranh và phát triển công bằng cho ngành mía đường. Trong bối cảnh hội nhập toàn cầu, ngành mía đường cần nhiều hơn nữa sự tham gia điều tiết của Nhà nước qua các chính sách, quyết định phù hợp dựa trên luật pháp và thông lệ quốc tế.
Ở tầm trung gian, doanh nghiệp là cầu nối giữa nông dân và người tiêu dùng. Khi vùng nguyên liệu suy giảm, các doanh nghiệp mía đường vừa phải chịu sức ép đáp ứng nhu cầu thị trường, vừa phải nỗ lực tái phát triển vùng nguyên liệu. Bằng việc xây dựng các cánh đồng mía lớn, hỗ trợ nông dân cơ giới hóa, cùng các biện pháp khoa học kỹ thuật đồng bộ. Từ đó, nông dân tận dụng lợi thế quy mô, gia tăng năng suất, chữ đường. Còn nhà máy thì có đủ nguồn nguyên liệu và sản xuất ra các sản phẩm có giá trị gia tăng cao đáp ứng nhu cầu thị trường.
Đối với nhà nông, đóng vai trò chủ chốt trong sản xuất mía nguyên liệu, nhưng cũng là nhân tố “dễ tổn thương” nhất trong chuỗi giá trị. Do đó, điều rốt ráo hiện tại là nông dân cần tăng cường “nội lực” qua nâng cao nhận thức trong việc liên kết, tích cực áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật. Nhà khoa học sẽ là người tư vấn trong quá trình thực hiện các khâu liên kết, để việc xây dựng chuỗi sản xuất mía đường được diễn ra suôn sẻ, mang lại hiệu quả cao.
Theo các chuyên gia, tất cả giải pháp tựu trung vẫn nhằm nâng cao sức cạnh tranh của cây mía trong nước. Trong đó, giá cả là động lực quan trọng nhưng không phải duy nhất. Tái cơ cấu, không ngừng thay đổi và phát triển, ngành mía đường cần tận dụng lợi thế của cây mía để giảm giá thành sản xuất, từ đó đem lại lợi nhuận rõ ràng cho nông dân và doanh nghiệp, đem lợi ích cho người tiêu dùng.