Đơn cử trên địa bàn quận 8 có hàng chục dự án cải tạo kênh rạch với gần 12.400 căn hộ lụp xụp phải di dời, giải tỏa. Trong 5 năm tới, địa phương này cần hàng ngàn căn hộ tái định cư do đã lên kế hoạch di dời khoảng 6.000 căn nhà ven, trên dọc hai bờ kênh Đôi giai đoạn 2021-2025.
Nhưng theo báo cáo của UBND quận 8 gửi Sở Xây dựng, quận không đủ kinh phí mua lại các suất tái định cư để chuẩn bị cho dự án cải tạo, chỉnh trang đô thị trong thời gian tới. Trong khi đó, trên địa bàn quận có lợi thế là quỹ nhà để bố trí tái định cư khá dồi dào, như: dự án khu nhà ở xã hội Hưng Phát ở phường 6 (1.554 căn hộ), chung cư Bình Minh (phường 16, 639 căn hộ), chung cư Riverside Aparment (phường 16, 760 căn hộ), chung cư An Sinh (phường 4, 1.057 căn hộ)… “Kiến nghị UBND TPHCM, Sở Xây dựng cùng các sở ngành xem xét tạm ứng kinh phí nguồn ngân sách của thành phố để mua lại”, UBND quận 8 đề xuất.
Tuy nhiên, văn bản phản hồi của Sở Xây dựng cho biết, việc kiến nghị tạm ứng ngân sách để mua nhà tái định cư không phù hợp với Luật Ngân sách Nhà nước và các quy định hiện hành.
Theo Sở Xây dựng, trong kế hoạch phát triển và sử dụng nhà, đất phục vụ tái định cư cho việc chỉnh trang đô thị, các dự án công ích, quận 8 chưa xác định được nguồn vốn để bồi thường, mua lại quỹ nhà tái định cư, công tác bồi thường chưa xong.
Trong khi đó, trên địa bàn toàn thành phố, theo Sở Xây dựng, hiện nay quỹ nhà, đất tái định cư thuộc sở hữu nhà nước do sở quản lý, chưa sử dụng có 11.688 căn hộ và nền đất (bao gồm 9.434 căn hộ và 2.254 nền đất; trong đó 5.022 căn hộ và 41 nền đất đã có chủ trương bán đấu giá để thu hồi vốn). Không ít dự án nhà tái định cư, Sở Xây dựng đã nhiều lần có văn bản “thúc” Thường trực Ban Chỉ đạo 167 có ý kiến nhằm tiến hành các thủ tục bán đấu giá do không có nhu cầu sử dụng nhưng vẫn rất chậm. Có lẽ đã đến lúc rà soát lại thực trạng này và sớm có giải pháp xử lý rốt ráo.