1. Có những dãy mộ thật dài trong Nghĩa trang Hàng Dương, nằm im dưới tán phượng, đỏ rực cánh hoa rụng xuống trong những ngày hè nhưng tên người chiến sĩ vẫn còn dang dở một khoảng trắng… Côn Đảo một thời là tiền tuyến lớn của những người tù cộng sản, bởi thế mà lớp người ngã xuống cũng không tài nào để có thể trọn vẹn từng tên người, địa chỉ quê nhà trên bia mộ.
Tôi thuộc lớp trẻ mà người ta hay gọi là gen Y, gen Z; và thế hệ chúng tôi thường đặt rất nhiều những câu hỏi trái ngược nhau trong mỗi sự việc, vấn đề mà mình tiếp nhận. Câu chuyện lịch sử cũng thế, có lần bạn bè tôi bày tỏ sự băn khoăn tại sao chúng ta phải nhắc nhớ đến quá khứ, chẳng phải điều này đã có sách lịch sử ghi nhớ thay chúng ta? Để trả lời điều này, chân thật nhất vẫn là từng câu chuyện, cái nhìn cụ thể, mà phải đi và cảm nhận mới thấu được.
Trong đoàn khách đến viếng các anh hùng, liệt sĩ tại Nghĩa trang Hàng Dương, tôi chẳng kịp hỏi rõ ông từng chiến đấu ở đơn vị nào, ông chỉ kịp xưng tên Mai Vĩnh Thạnh, nhà ở quận 3, TPHCM. “Tôi tìm đường qua hướng mộ ông Lê Hồng Phong, đồng đội tôi nằm lại gần phía đó, còn tôi ngày xưa ở tù chỗ khác, chưa bị ra Côn Đảo. Năm nào, đoàn cựu chiến binh tổ chức về nguồn ở Côn Đảo, tôi cũng ra thắp nhang cho ổng - ông bạn chí cốt ngày xưa với tôi”, ông Mai Vĩnh Thạnh kể.
Có người đến viếng tận những dãy mộ phía trong cùng, người thắp một nén nhang ở đài tưởng niệm chung… Khách đến Côn Đảo để du lịch nghỉ dưỡng hay tâm linh hầu như đều ghé lại Nghĩa trang Hàng Dương. Có khi chẳng phải để nguyện cầu điều gì to tát, đảo nhỏ quanh đi quẩn lại một ngày đã giáp vòng. Nhưng có đi đến hết Nghĩa trang Hàng Dương cũng không thể kể xiết một thời “địa ngục trần gian”, mà lớp người sống và chiến đấu vì Tổ quốc đã gửi tuổi xuân lại nơi này.
Cùng hướng đi với tôi, cô Thu Ba (khách đến từ Hà Nội) kể: “Cô đi từ Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn đến Hàng Dương này nhiều lần lắm rồi, lần nào cũng đi một vòng hết nghĩa trang…”. Tôi nhìn với vẻ thắc mắc, cô nói tiếp: “Tuổi cô mới ngoài 50 được 3 năm nay, nên không phải là cựu chiến binh gì đâu cháu, hồi chiến tranh cô còn bé tí. Nhưng cô và bạn bè vẫn tìm đến những nơi như thế này. Các cụ mình ngày xưa giỏi thật cháu ạ, bị tra tấn kiểu gì cũng không khai, vẫn giữ vững khí tiết thì mới có ngày hôm nay chứ”.
Câu chuyện, thăm mộ đồng đội của bác Thạnh hay tấm lòng của khách tham quan như cô Thu Ba, không xa lạ gì ở Côn Đảo… Mảnh đất này có quá nhiều điều thiêng liêng, tự khắc chạm vào trái tim mỗi người đến đây bằng một tấm lòng biết ơn, thành kính.
Những người trẻ như tôi chỉ biết và hiểu lịch sử qua sách vở, tài liệu ghi chép lại. Lịch sử là sự thật, mãi mãi chỉ có duy nhất, không có phiên bản cũng không có dị bản. Điều cần thiết là hãy đi và cảm nhận, tự mỗi người sẽ hiểu hết giá trị và bài học của ngày hôm qua như thế nào. |
Một vòng quanh Côn Đảo, xe ngang qua Nghĩa trang Hàng Keo, anh tài xế địa phương chạy chậm hơn một chút rồi kể: “Những mộ phần còn lại ở đây đã được di dời hết về Nghĩa trang Hàng Dương, nơi này chỉ còn những cây dương, cây keo”. Lời anh tài xế địa phương kể, giọng trầm buồn, làm tôi quặn thắt: “Ngày xưa ác liệt lắm, tù chính trị được chôn ở đây. Mấy lần địch chà qua xát lại, hài cốt các cụ lớp hòa vào đất, lớp bị sóng biển đánh trôi để địch hòng che giấu tội ác…”. Có lẽ vì thế mà trong những dòng lịch sử về Côn Đảo có câu: Côn Lôn đi dễ khó về/ Sống nương Núi Chúa, thác về Hàng Keo.
Đâu phải tự nhiên mà người ta lập mộ gió, đâu phải tự nhiên mà nhắc về lịch sử, như thầy tôi (một đại tá quân đội) vẫn hay dặn học trò: “Không phải nhắc nhớ để ghi thù ghi hận hay kể chiến công để khuếch trương, mà chỉ đơn giản là để mình biết ơn và quý trọng hòa bình hôm nay”. Đạo lý muôn đời của dân tộc cũng là vậy, làm người biết cúi đầu tưởng nhớ tiền nhân.
Hàng Dương những ngày phượng đỏ hay như bao ngày khác trong năm, vẫn im lìm ở đó chở che một thế hệ anh dũng ngã xuống ngày hôm qua, là biểu tượng và điểm tựa tinh thần cho lớp lớp người hôm nay.