Âm thầm đóng góp
Ôi hòn đảo Sinh Tồn, hòn đảo thân yêu/ Dẫu chẳng có mưa, chúng tôi vẫn sinh tồn trên mặt đảo/ Đảo vẫn sinh tồn trên đại dương đầy gió bão/ Chúng tôi như hòn đá ngàn năm, trong nhịp đập tim người... Bài thơ Đợi mưa trên đảo Sinh Tồn viết từ năm 1982 của nhà thơ Trần Đăng Khoa nhắc đến đảo Sinh Tồn hôm đoàn ghé qua làm chị Trần Thị Hường (Trưởng Ban Dân vận Quận ủy quận 3, TPHCM) đến giờ chưa thôi xúc động.
Sinh Tồn của hiện tại đã khoác “áo mới”, CB-CS và người dân được trang bị các vật dụng sinh hoạt hàng ngày; các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao sôi nổi. Đảo được đầu tư xây dựng trạm dịch vụ hậu cần nghề cá, âu tàu có sức chứa hàng trăm tàu công suất lớn. Nhưng ở nơi xa bến bờ, với cái nắng nóng cháy da, mưa lạnh thấu xương, người lính vẫn đối mặt nhiều khó khăn.
Ghé thăm Trường Tiểu học Sinh Tồn, nghe thầy giáo Phạm Quang Tuấn kể mới thấy việc gieo chữ trên đảo chẳng dễ dàng gì. Trước chuyến đi, thông qua sự vận động của Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM, chị Hường và địa phương dựa trên danh sách những gì các đảo cần đã vận động các cá nhân, đơn vị đóng góp quà để kịp thời mang ra đảo. Chỉ trong vòng 1-2 ngày kêu gọi, các trường học, đơn vị, cá nhân trên địa bàn quận 3 đã gửi về 35 thùng lớn quà tặng, vật dụng cho trường học theo nhu cầu trên đảo, gồm máy tính để bàn, laptop, máy in, xe đạp, quạt máy, đồ dùng dạy học…
Lần đầu đến Trường Sa, cô giáo Nguyễn Thị Duyên Hồng, Hiệu trưởng Trường Mầm non Bông Sen (quận 8), đã gửi các phần quà trị giá gần 300 triệu đồng. Qua tìm hiểu, biết máy tính trên các đảo đã cũ, cô đặt 10 bộ máy vi tính văn phòng, 10 bộ máy in kèm 30 hộp mực; tặng tiền mặt, 300 thẻ điện thoại Viettel (100.000 đồng/thẻ). Cô còn vận động giáo viên, phụ huynh các trường gửi tặng nhiều phần quà, như 65 cuốn sách vải kể chuyện sáng tạo cho trẻ tiểu học, mầm non, 54 thẻ nạp điện thoại Viettel, hơn 30 gấu bông, hàng chục hộp bút màu sáp… Không chỉ năm nay mà từ năm ngoái, cô đã gửi 100 phần quà tặng học sinh Trường Tiểu học Trường Sa; máy vi tính, máy in cho CB-CS.
Anh Trần Đăng Công Nghĩa, Chủ tịch Công đoàn ngành Y tế TPHCM, cho biết, hàng năm, các y, bác sĩ, đơn vị bệnh viện trong hệ thống y tế TPHCM luôn đóng góp cho Quỹ “Vì biển đảo quê hương - Vì tuyến đầu Tổ quốc”. Đặc biệt là các bệnh viện tại TPHCM đã hỗ trợ trang thiết bị, thuốc men cho các trạm xá ở đảo. Những sự đóng góp đó rất âm thầm, và chưa bao giờ ngừng lại.
Trọn nghĩa vẹn tình
“Tôi đi Trường Sa 3 lần, lần nào cũng chứng kiến những cuộc chia tay bịn rịn giữa quân và dân TPHCM cùng quân và dân Trường Sa. Tàu rời khỏi đảo, mọi người vẫn đứng chào nhau, cho đến khi không nhìn thấy nữa…”, ông Nguyễn Thành Trung, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM, bồi hồi kể về những lần đến và chia tay Trường Sa.
Sự lưu luyến ấy luôn thường trực bởi TPHCM - Trường Sa là một khối tình rì rào như sóng, mà sóng thì bất tận. Để rồi, hàng năm, nhiều chuyến tàu mang theo những món quà đậm nghĩa tình của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố lại rẽ sóng đến với các hải đảo tiền tiêu. Các chuyến hải trình mang theo không chỉ niềm tin yêu, trân trọng mà còn cả hơi ấm từ đất mẹ đến những người con của thành phố, của đất nước đang canh giữ biển trời Tổ quốc.
Trong 7 ngày, từ ngày 26-4 đến ngày 2-5, Đoàn công tác số 12 do Chuẩn Đô đốc Phạm Như Xuân, Phó Tư lệnh Quân chủng Hải quân làm trưởng đoàn công tác, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Phước Lộc làm trưởng đoàn đại biểu TPHCM cùng 168 đại biểu đã thăm CB-CS, nhân dân tại các đảo Sinh Tồn, Cô Lin, Núi Le B, Tốc Tan C, Đá Tây B, Trường Sa Lớn, nhà giàn DK1/17 (Phúc Tần). Đoàn tặng khu tăng gia tại Trung tâm Huấn luyện Vùng 2 và 6 vườn rau mái che, 31 bộ đèn năng lượng mặt trời; công trình bảo đảm phục vụ công tác huấn luyện, học tập tại các đảo và nhà giàn DK1/17 với tổng trị giá 5 tỷ đồng.
Đoàn cũng tặng nhiều phần quà ý nghĩa như các nhu yếu phẩm, trang thiết bị, vật dụng sinh hoạt, học tập phục vụ quân, dân trên các đảo, gồm: máy vi tính, máy in, máy photocopy, máy lọc nước, máy bơm nước, máy chiếu, bồn nước, quạt tích điện... Đoàn cũng hỗ trợ thêm kinh phí cho các lực lượng trú đóng tại các đảo, nhà giàn DK1/17, các gia đình sinh sống tại các đảo; tặng quà 15 chiến sĩ là công dân TPHCM hiện đang công tác tại đảo Sinh Tồn, Cô Lin, Tốc Tan C, Trường Sa. Kinh phí chăm lo hơn 41 tỷ đồng. Bên cạnh đó, đoàn tổ chức giao lưu, biểu diễn văn nghệ phục vụ CB-CS và người dân trên các đảo, nhà giàn DK1/17. Hải trình cũng là dấu ấn của TPHCM trong hành trình hướng về Trường Sa nhiều năm qua cùng Quỹ “Vì biển đảo quê hương - Vì tuyến đầu Tổ quốc”.
Đại tá Phạm Văn Thọ, Chính ủy Lữ đoàn 146, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện đảo Trường Sa, khẳng định: “TPHCM luôn là địa phương đi đầu trong tổ chức các hoạt động hướng về quân và dân Trường Sa. Các công trình, quà tặng ý nghĩa, kịp thời, thiết thực là nguồn động viên rất lớn. CB-CS, nhân dân Trường Sa có thêm động lực gắn bó với biển đảo, an tâm về tư tưởng, quyết tâm cao bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo Tổ quốc trong mọi tình huống”.
Từ năm 2009 đến nay, Quỹ “Vì biển đảo quê hương - Vì tuyến đầu Tổ quốc” tiếp nhận ủng hộ trên 525 tỷ đồng, kịp thời hỗ trợ 450 tỷ đồng với những công trình: nhà văn hóa đa năng, trường học, bệnh xá, các trang thiết bị vật tư y tế, CLB Thủy thủ, công trình máy lọc nước đóng chai tự động, bể chứa nước ngọt, vườn rau mái che, khu tăng gia nuôi tập trung, công trình “Nước ngọt vùng biên”, “Mái ấm cho chiến sĩ, người nghèo nơi biên giới”, công trình điện năng lượng mặt trời…
Nhằm xây dựng “Trường Sa ngày càng phát triển xanh, bền vững”, đồng thời thực hiện công trình mang dấu ấn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TPHCM tại huyện đảo Trường Sa, từ ngày 17-4-2023, Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM phát động ủng hộ chương trình “Vì Trường Sa xanh” giai đoạn 2023-2025, với chỉ tiêu vận động hơn 76 tỷ đồng.
Chuẩn đô đốc Phạm Như Xuân, Phó Tư lệnh Quân chủng Hải quân bày tỏ sự trân trọng: “Trong chuyến công tác, Đoàn đại biểu TPHCM đã làm việc với tất cả tình cảm, tinh thần, trách nhiệm “Vì biển đảo quê hương - Vì tuyến đầu Tổ quốc”. Trên vùng biển đã đến thăm, đoàn trao những phần quà thiết thực, kịp thời động viên đời sống sinh hoạt, huấn luyện sẵn sàng chiến đấu của CB-CS và làm vơi đi sự khó khăn về vật chất, tinh thần. Các hải trình từ TPHCM luôn đong đầy tình cảm của quân và dân TPHCM với Trường Sa, nhà giàn DK1. Những tình cảm đó có ý nghĩa quan trọng, góp phần tạo động lực lớn để các CB-CS, nhân dân tiếp tục trụ vững nơi đầu sóng ngọn gió, hoàn thành trọng trách được giao phó”.