Nghĩa tình Tân Biên

Ngày 24-7, chúng tôi có chuyến công tác về tỉnh Tây Ninh dự lễ viếng Nghĩa trang liệt sĩ Đồi 82 (huyện Tân Biên) và truy điệu, an táng hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh tại Campuchia. 

Đây là nơi an nghỉ của hàng chục ngàn Anh hùng liệt sĩ đã dâng hiến tuổi thanh xuân cho nền độc lập, hòa bình của dân tộc. Nghĩa trang nằm không xa Di tích quốc gia đặc biệt Căn cứ Trung ương cục miền Nam nên hoàn toàn có thể trở thành điểm đến trong hành trình về nguồn của giới trẻ lẫn du khách.

Thêm 172 hài cốt liệt sĩ về với đất mẹ

Ngay từ sáng sớm, các đồng chí lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Chỉ đạo quốc gia 515, Ban Chỉ đạo 515 Quân khu 7, lãnh đạo tỉnh Tây Ninh và đoàn cựu chiến binh Vương quốc Campuchia đã có mặt tại Nghĩa trang liệt sĩ Đồi 82 Tân Biên. Là người nhiều năm gắn bó với công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, Thượng tá Bùi Văn Vũ, Chính trị viên Đội K70 (Cục Chính trị Quân khu 7) cũng dậy sớm hơn thường lệ để cùng đồng đội đưa tiễn hài cốt các liệt sĩ về đất mẹ.

XHH 10C.jpg
Các đồng chí lãnh đạo tham gia lễ an táng hài cốt liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ Tân Biên. Ảnh: HOÀNG BẮC

Thượng tá Bùi Văn Vũ không giấu được sự xúc động: “Năm nào cũng vậy, tranh thủ thời gian mùa khô, cả ngày lẫn đêm, anh em trong đội lại vượt suối, băng rừng đi tìm hài cốt của thế hệ cha anh còn nằm lại trên chiến trường Campuhia ngày trước. Sau nhiều nỗ lực tìm kiếm, Đội K70 quy tập được 62 hài cốt liệt sĩ tại tỉnh Kampong Cham và Tbong Khmum (Vương quốc Campuchia). Ai nấy đều rưng rưng nước mắt ”.

Trong không khí trang nghiêm, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, gióng 3 hồi chuông chiêu tập anh linh các Anh hùng liệt sĩ. Sau khi dành một phút mặc niệm để tưởng nhớ, tri ân, dâng hoa, dâng hương đài tưởng niệm, các đồng chí lãnh đạo thực hiện nghi thức truy điệu, an táng 172 hài cốt liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ Tân Biên để các anh hùng liệt sĩ được yên nghỉ trong lòng đất mẹ.

Đồng chí Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa tham gia an táng các hài cốt liệt sĩ ở nghĩa trang Đồi K82, Tân Biên.jpg
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa an táng các hài cốt liệt sĩ ở nghĩa trang Đồi K82, Tân Biên. Ảnh: VĂN PHONG

Ông Nguyễn Hồng Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Tây Ninh, Trưởng Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ, chia sẻ: “Trong cuộc trường chinh chống thực dân, đế quốc, chiến tranh bảo vệ biên giới, làm nghĩa vụ quốc tế cao đẹp, hàng triệu người con thân yêu của Tổ quốc đã anh dũng chiến đấu, hy sinh cho nền độc lập dân tộc; Đảng, Nhà nước và nhân dân luôn tạc dạ, ghi lòng về những cống hiến trọn đời mình của các anh hùng liệt sĩ. Chiến tranh đã đi qua, nhường chỗ cho niềm vui, hạnh phúc và sự vươn lên của cuộc sống mới. Song niềm vui, hạnh phúc chưa thể trọn vẹn vì có những mộ liệt sĩ chưa biết tên hay một dòng địa chỉ, những hương hồn liệt sĩ chưa về với đất mẹ và đó cũng là nỗi đau, trách nhiệm chưa tròn của người đang sống”.

Ghi dấu một thời hào hùng

Rời Nghĩa trang liệt sĩ Đồi 82 Tân Biên, chúng tôi đến Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát để thăm di tích Ban Tuyên huấn Trung ương cục miền Nam tại xã Tân Bình (huyện Tân Biên, giáp với Vương quốc Campuchia), dự lễ đón nhận xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam giai đoạn 1962-1975. Tại đây, chúng tôi có dịp gặp gỡ, trò chuyện với các cô, chú từng có những năm tháng sống, chiến đấu gian khổ ở Ban Tuyên huấn Trung ương Cục.

Đoàn lãnh đạo Campuchia dành một phút mặc biệm các anh hùng liêt sĩ tại di tích Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam. Ảnh HOÀNG BẮC.JPG
Đoàn lãnh đạo Campuchia dành một phút mặc niệm các Anh hùng liệt sĩ tại di tích Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam. Ảnh: HOÀNG BẮC

Ngày 23-11-1961, Hội nghị Trung ương Cục miền Nam họp tại Mã Đà - Chiến khu Đ (nay thuộc tỉnh Đồng Nai) quyết định thành lập Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam do đồng chí Nguyễn Văn Linh, Bí thư Trung ương Cục kiêm nhiệm Trưởng ban. Năm 1962, Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam được chuyển trụ sở về Lò Gò - Xa Mát thuộc huyện Châu Thành (nay là huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh) để mở rộng căn cứ. Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam đã tham mưu kịp thời về công tác chính trị tư tưởng trong từng giai đoạn cách mạng, như chống chiến tranh đặc biệt, cục bộ, Việt Nam hóa chiến tranh và cách mạng miền Nam sau khi ký kết Hiệp định Paris, góp phần vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc trong kháng chiến chống Mỹ.

Ông Trần Văn Liên, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Truyền thống kháng chiến, Ban Tuyên truyền Trung ương Cục miền Nam, tham gia công tác tại Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam từ năm 1964, làm nhiệm vụ cơ yếu, chuyển mật mã, điện đài của Trung ương vào miền Nam. Ông bồi hồi nhớ lại: “Hồi đó, chiến tranh ác liệt lắm, anh em chủ yếu ăn rau và ăn độn nhiều, cực khổ gian nan nhưng vẫn quyết tâm chiến đấu để hoàn thành nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước giao phó. Chúng tôi rất vinh dự và tự hào vì di tích Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam được công nhận là di tích lịch sử quốc gia”.

Nghĩa trang liệt sĩ Đồi 82 Tân Biên (Tây Ninh) được đưa vào sử dụng năm 1989, có tổng diện tích 26,7ha, là nơi yên nghỉ của 13.976 liệt sĩ từ mọi miền Tổ quốc đã hy sinh trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cứu nước và làm nghĩa vụ quốc tế; cũng là nơi tổ chức truy điệu, an táng 4.131 hài cốt liệt sĩ quy tập ở Campuchia từ sau chiến tranh biên giới Tây Nam đến nay.

Hàng năm, nghĩa trang đón hơn 50 đoàn cán bộ lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, bộ, ngành Trung ương, các tỉnh, thành phố, các cơ quan, ban ngành, địa phương của tỉnh và trên 4.200 lượt thân nhân gia đình liệt sĩ đến thăm viếng, tri ân. Dự kiến, Nghĩa trang liệt sĩ Đồi 82 Tân Biên sẽ được nâng cấp, mở rộng lên 30,7ha, trở thành Nghĩa trang liệt sĩ cấp quốc gia.

Còn cô Trần Thị Thanh Trầm (75 tuổi) xúc động kể: “Cô vô R từ năm 14 tuổi, lúc đầu ở đoàn văn công, sau xin về nhà in Trần Phú ở Trung ương Cục, sau đó đi học y tá, y sĩ rồi phục vụ trường Báo chí ở Ban Tuyên huấn Trung ương Cục cho đến ngày giải phóng. Ở trong rừng sâu nên có thời điểm 7 năm không thấy mặt người dân, ăn uống kham khổ, gạo để dưới hầm lấy lên có khi bị ẩm mốc hết, ăn với đậu phụng rang, củ cải muối, không có miếng thịt, miếng cá nào nhưng anh em sống rất tình cảm, yêu thương nhau như gia đình ruột thịt”. Chồng cô Trầm là chú Võ Duy Minh từng làm Bí thư Đoàn Ban Tuyên huấn Trung ương Cục, quê ở Cai Lậy (Tiền Giang) cũng có 11 năm sống, chiến đấu ở đây. Đôi mắt ông cũng đỏ hoe khi nhớ về những đồng chí, đồng đội…

Theo đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, địa điểm căn cứ Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam ghi dấu sự kiện mang nhiều giá trị lịch sử, góp phần tích cực giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ Việt Nam. Cấp ủy, chính quyền tỉnh Tây Ninh và các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác giáo dục, tuyên truyền cho các tầng lớp nhân dân về nội dung của Luật Di sản văn hóa để cùng tham gia bảo vệ, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị của di tích; phối hợp với ngành du lịch, các cơ quan thông tin truyền thông kết nối di tích với các di tích khác trong tỉnh, trong vùng nhằm tạo ra sản phẩm du lịch mới, tuyên truyền để du khách và người dân hiểu sâu sắc hơn giá trị truyền thống lịch sử cách mạng của dân tộc.

Tin cùng chuyên mục