LTS: TPHCM đang triển khai các hoạt động chăm lo tết cho công nhân, người lao động, người khó khăn. Các hoạt động này càng có ý nghĩa và thấm đẫm tính nhân văn khi năm 2023 kinh tế thế giới và trong nước gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh nguồn ngân sách nhà nước, các nguồn lực xã hội cũng cùng chung tay đóng góp chăm lo công nhân, người lao động, trẻ mồ côi, người yếu thế, góp phần để tết ấm áp, đủ đầy, vui tươi được đến với mọi người, mọi nhà.
Lo tết trong ngổn ngang
Mấy tuần nay, nghe đồng nghiệp trong công ty bàn nhau về lương thưởng tết, chị Nguyễn Thị Thắm (30 tuổi), công nhân Công ty TNHH Dệt may Thái Dương (TP Thủ Đức, TPHCM) thoáng chạnh lòng. Năm nay, chị và con gái nhỏ lại đón tết xa quê. Chị Thắm tâm sự, sau khi ly hôn, chị nuôi 2 con nhỏ, nay đứa lớn lên 7, đứa nhỏ lên 2 tuổi. Sau đó, do khó khăn quá chị ngậm ngùi đưa đứa lớn về quê Quảng Trị gửi ông bà ngoại, hàng tháng chị gửi tiền về lo cho ba mẹ và con đi học.
Những tháng qua, công ty ít đơn hàng, không tăng ca được nên chị Thắm xin làm thêm vào cuối tuần để kiếm thêm thu nhập. “Tết này, tính cả tổng lương và thưởng chắc được gần 16 triệu đồng. Tôi sẽ gửi về quê một nửa, phần còn lại ráng dành dụm để lo cho cuộc sống. Tôi đang tìm thêm việc làm thời vụ trong tết để có thêm thu nhập”, chị Thắm chia sẻ.
Mấy hôm nay, căn phòng trọ khoảng 20m2 của vợ chồng chị Trần Thị Thủy Tiên (quê Vĩnh Long) tại quận Bình Tân buổi tối như rộn rã hơn. Sau bữa tối, con gái chị Tiên (đang học lớp 2) lấy mấy bộ quần áo mới vừa được mẹ mua cho ra mặc thử. Sau mấy tháng thất nghiệp ở Công ty TNHH PouYuen Việt Nam, chị Tiên vừa nhận lương từ việc làm thời vụ dịp tết nên dành ra một ít mua quần áo mới cho con.
Chị Tiên nhẩm tính, với tiền công mỗi ngày 270.000 đồng cho công việc đóng gói hàng, đến tết thu nhập của chị được khoảng 8 triệu đồng, cộng với tiền trợ cấp thất nghiệp gần 5 triệu đồng của chị và lương, thưởng của chồng khoảng 12 triệu đồng. Trừ tiền thuê phòng trọ, vợ chồng chị còn dư tầm 20 triệu đồng, nên vợ chồng chị đã lên kế hoạch về quê đón tết.
“Tháng trước, nghĩ đến tết tôi lo lắm và dự tính sẽ ở lại thành phố ăn tết. Nhưng may mắn, tôi đã tìm được việc làm thời vụ, sẽ có thêm một khoản đủ xoay xở để về quê vui tết với gia đình”, chị Tiên nói.
Cũng như chị Tiên, nhiều lao động sau bao lo lắng ngổn ngang cũng tìm được việc làm thời vụ trong thời điểm cận tết để có chi phí trang trải cuộc sống. Tại “Ngày hội kết nối việc làm cho đoàn viên công đoàn, thanh niên công nhân và người lao động” trên địa bàn thành phố do Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TPHCM phối hợp các đơn vị tổ chức, bà Nguyễn Thị Năm đã tìm được chân tạp vụ cho một cửa hàng ăn uống. Con trai bà Năm (sinh viên năm 2 đại học) cũng tìm được công việc bán hàng theo giờ.
Nhiều năm nay, sau khi nghỉ việc ở xưởng gỗ do tuổi cao, bà Năm mưu sinh bằng việc bán vé số dạo. Thế nhưng gần đây, công việc này trở nên khó khăn hơn khi người mua vé số ít dần, người bán lại nhiều thêm. Dù vậy, bà Năm tính toán thêm, từ đây tới tết, những lúc không có ai thuê giúp việc theo giờ, bà sẽ tranh thủ đi bán vé số kiếm thêm chút đỉnh.
Dồn sức chăm lo công nhân khó khăn
Hiểu được nỗi lo toan của nhiều công nhân xa quê thuê trọ, nhiều chủ nhà trọ với tấm lòng thơm thảo tổ chức không ít hoạt động ý nghĩa, giúp công nhân lao động khó khăn có niềm vui ngày tết. Ngày 1-1 vừa qua, hơn 100 công nhân ở khu nhà trọ của bà Đặng Thị Xuân (phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân, TPHCM) đã có bữa tiệc tất niên vui vẻ, ấm cúng và rộn rã tiếng cười. Nhiều năm qua, cứ dịp cuối năm, bà Xuân lại chi gần 20 triệu đồng tổ chức bữa tiệc và tặng quà mỗi phòng 300.000 đồng. Hiểu sự khó khăn của công nhân do công việc bị thu hẹp, bà Xuân dành nhiều thời gian thăm hỏi, động viên.
“Cô Xuân nói nếu khó khăn quá, không về quê được thì ở lại ăn tết với cô. Cô nói 3 ngày tết cứ ghé lên nhà ăn cơm như ở quê với gia đình, tụi nhỏ lên mừng tuổi cô sẽ được nhận lì xì. Điều này giúp tôi thấy ấm lòng lắm”, anh Nguyễn Hoài Thanh (quê Quảng Ngãi), công nhân trọ ở đây, cho biết.
Nhiều năm qua, công nhân thuê trọ ở khu nhà trọ ông Đặng Văn Hương (Mười Hương) ở phường Tân Thuận Đông, quận 7 cũng được ông chăm lo chu đáo. Năm nay, dự kiến ông Mười Hương tổ chức bữa cơm tất niên cho công nhân vào ngày 28-1 với tài nấu nướng của vợ chồng ông và những công nhân yêu thích nấu ăn. Bằng tấm lòng của mình, ông xem công nhân trong khu trọ như con cháu trong nhà. Nhiều năm nay, vì hiểu hoàn cảnh từng người nên ông giữ nguyên giá thuê phòng trọ, thời điểm dịch Covid-19, ông còn giảm giá cho thuê.
“Để hỗ trợ công nhân 1 năm nhiều vất vả, tôi sẽ gửi tặng mỗi phòng trọ một phần quà tết (trị giá 300.000-400.000 đồng). Đây là chút tấm lòng gọi là cảm ơn và chia sẻ cùng các em, các cháu”, ông Mười Hương cho biết.
Hòa cùng các chương trình chăm lo tết thiết thực của tổ chức Công đoàn TPHCM với phương châm “Tết đến với mọi đoàn viên, người lao động”, năm nay, từ sớm, LĐLĐ quận 1 tổ chức tổ chức Ngày hội “Hàng Việt Nam - Vui tết cùng người lao động” năm 2024 để chăm lo công nhân lao động khó khăn. Ngoài bán hàng giảm giá từ 10%-50%, các đơn vị, doanh nghiệp còn ủng hộ quà và kinh phí chăm lo cho CNVC-LĐ có hoàn cảnh khó khăn nhân dịp Tết Giáp Thìn 2024. LĐLĐ quận 1 cũng tiếp tục tổ chức các hoạt động chăm lo người lao động bị bệnh nan y, bệnh hiểm nghèo…
Trong khi đó, bà Lê Thị Bích Hạnh, Chủ tịch LĐLĐ quận 5, cho biết, Công đoàn quận 5 sẽ thực hiện nhiều chương trình đa dạng (như tặng quà, tiền, thăm hỏi, tổ chức phiên chợ xuân) chăm lo đoàn viên nghiệp đoàn khó khăn, công nhân bệnh nan y, bệnh hiểm nghèo, bị tai nạn lao động. Các hoạt động này đều hướng đến mục tiêu đảm bảo phương châm “Tết đến với mọi đoàn viên, người lao động”.
Tại các cấp công đoàn cũng đang triển khai nhiều chương trình phù hợp với tình hình và nhu cầu người lao động. Đó là họp mặt đoàn viên, người lao động, phiên chợ nghĩa tình bán hàng chất lượng với giá giảm từ 35%-50%. Công đoàn Các KCX-KCN TPHCM còn lên kế hoạch tổ chức 9 “Phiên chợ nghĩa tình - tết đoàn viên” chăm lo 30.000 công nhân (hỗ trợ 500.000 đồng/người).
Công đoàn cũng phối hợp LĐLĐ TP Thủ Đức, LĐLĐ quận, huyện tặng 4.000 phần quà tết trị giá 2 tỷ đồng cho công nhân ở trọ có hoàn cảnh khó khăn, đang làm việc tại các KCX-KCN thành phố.
Một chương trình đã thành truyền thống của các tổ chức đoàn thể TPHCM, cứ đến dịp Tết Nguyên đán, hàng ngàn chuyến xe nghĩa tình, chuyến xe 0 đồng đưa người lao động về quê cũng được thực hiện, giúp người lao động xa quê an tâm đường về nhà không xa.
Không chỉ vậy, năm nay, hơn 500 gia đình công nhân được nhận vé máy bay và vé tàu về quê ở miền Bắc, miền Trung. Đó là phần thưởng lớn dành cho họ đã gắn bó, cống hiến sức mình cho sự phát triển của doanh nghiệp và thành phố.
Đặc biệt, TPHCM sẽ tổ chức siêu thị mini 0 đồng ở 6 cụm trên địa bàn thành phố để công nhân, người dân khó khăn đến mua món hàng mình cần với giá 0 đồng. Dự kiến, số lượng quà lên đến gần 15.400 phần quà.
Ông Phạm Chí Tâm, Phó Chủ tịch LĐLĐ TPHCM cho biết, Công đoàn Thành phố đã xây dựng và triển khai kế hoạch chăm lo tết cho đoàn viên và người lao động khó khăn dịp Tết Giáp Thìn 2024. Dự kiến, tổng kinh phí thực hiện khoảng 135 tỷ đồng. Trong đó, LĐLĐ TPHCM chăm lo khoảng 35 tỷ đồng, các công đoàn cấp trên cơ sở chăm lo khoảng 100 tỷ đồng. Các công đoàn cơ sở cũng sẽ tổ chức chăm lo tết tại đơn vị theo khả năng.
Theo ông Phạm Chí Tâm, TPHCM đã đề nghị các đơn vị, địa phương, trong đó có LĐLĐ Thành phố chuẩn bị nguồn dự phòng để chăm lo kịp thời cho những đối tượng không được thưởng tết hoặc bị nợ lương trong giai đoạn cận tết.