1. Đà Nẵng, các tỉnh miền Trung là những địa phương vừa vượt qua đợt dịch bùng phát trong cộng đồng lần 2, lại tiếp tục chống chọi với bão lũ... Sự chia sẻ như một mạch ngầm len lỏi trong từng khu phố, từng xóm nhỏ, tiếp tục hướng về miền Trung với những đóng góp nhanh chóng để kịp thời hỗ trợ người dân trong hoạn nạn, thiên tai.
Tháng 10, những dòng tin đầu tiên về tình hình bão lũ ở miền Trung xuất hiện trên mạng xã hội, trên những trang báo. Và ngay buổi họp báo sau ngày làm việc đầu tiên của Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025, Thường trực Thành ủy TPHCM đã chấp thuận chủ trương tổ chức đoàn công tác TPHCM thăm và hỗ trợ các tỉnh miền Trung, với số tiền 1,3 tỷ đồng. Trong đó, hỗ trợ tỉnh Quảng Bình 500 triệu đồng, tỉnh Quảng Nam 500 triệu đồng và Quảng Ngãi 300 triệu đồng từ nguồn Quỹ cứu trợ của TPHCM.
Tiếp sau đó, các đoàn hỗ trợ và y bác sĩ ở TPHCM lại tiếp tục hướng về miền Trung giúp bà con tái thiết cuộc sống và tầm soát bệnh tật sau lũ. “Mình sống ở đây, mọi thứ đều tốt đẹp, cuộc sống không quá vất vả. Thấy đồng bào gặp khó khăn, chung tay hỗ trợ được điều gì thì phải làm liền. Hỗ trợ vật chất quan trọng, nhưng việc bà con ngâm mình trong nước, môi trường ẩm thấp lâu ngày dễ sinh bệnh tật, việc tầm soát và chăm sóc sức khỏe cho bà con sau lũ rất cần thiết, nên đoàn vừa thăm khám kết hợp với tặng quà”, dược sĩ Nguyễn Thị Thanh Phương, thành viên CLB Dược thuộc Đoàn y bác sĩ tình nguyện TPHCM, chia sẻ. Sau buổi trò chuyện với chúng tôi, ngay hôm sau, chị cùng đoàn y bác sĩ tình nguyện lên đường đến Phú Yên để trao quà và khám chữa bệnh cho người dân sau lũ.
Trước đó, các thành viên CLB Dược có chuyến đi về huyện Phong Điền (Thừa Thiên - Huế), trong lúc khám chữa bệnh thì cơn bão số 13 ập vào, mọi công việc phải ngừng lại. Rời tâm bão, chị Phương kể: “Có trải qua những lúc như vậy, càng thấy thương và muốn giúp cho đồng bào mình nhiều hơn. Mái nhà được che chắn cẩn thận bao nhiêu thì gió bão đi qua cũng không còn gì. Đoàn phải kẹt lại Huế 1 ngày, ngày hôm sau tranh thủ còn quà gì thì mang tặng cho bà con, xã nào nước vẫn còn ngập sâu chưa vô được thì mình gửi lại địa phương để trao sau đó”.
Những chuyến đi về các tỉnh xa, vùng biên giới hay bất thình lình gặp bão đổ bộ, nhưng chị Phương và đoàn bác sĩ tình nguyện chưa bao giờ chùn bước. “Mỗi khi lên kế hoạch đi tới tỉnh nào để tặng quà và chăm sóc sức khỏe người dân, các y bác sĩ trong CLB đều nhiệt tình, mọi người tranh thủ sắp xếp lịch trực, lịch làm việc ở bệnh viện để đi ngay. Tôi đã nghỉ hưu, không còn vướng bận công việc nên càng muốn tham gia. Dù ở nơi đâu cũng là đồng bào mình, mình có điều kiện sống tốt hơn thì chung tay hỗ trợ cho người còn khó khăn”, chị Phương bày tỏ.
2. Khi Tết Nguyên đán đang cận kề, kế hoạch trao quà tết cho những hoàn cảnh khó khăn cũng được nhiều nhóm thiện nguyện trong thành phố rục rịch chuẩn bị.
Bắt đầu chương trình buffet chay gây quỹ “Xuân biên cương”, tặng quà tết cho đồng bào thiểu số Vân Kiều và Mã Liềng, tỉnh Quảng Bình, chị Đỗ Thị Ngọc Phương (chủ nhà hàng chay Mãn Tự Vegan, đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1) chia sẻ: “Quán mở cũng lâu, khách hàng biết đến cũng nhiều nên thông qua đó, tôi mở buffet chay để gây quỹ, tùy tâm đóng góp của mọi người khi đến ăn và qua tài khoản, tôi cũng nhận đóng góp từ các nhà hảo tâm. Gần tết, tôi cố gắng kêu gọi mọi người để mang chút quà chia sẻ với đồng bào ở xa”. Sau chương trình “Xuân biên cương”, sẽ là chương trình gây quỹ “Tết nhân ái” dự kiến trao 400 phần quà và tiền mặt cho bà con khó khăn của thành phố đến nhận tại nhà hàng vào ngày 24-1 tới”.
Người góp của, người góp công, ai có gì góp nấy chỉ mong một mùa xuân ấm áp, trọn vẹn cho mọi người, là câu chuyện tại nhiều nhóm từ thiện ở thời điểm này. Giặt và soạn lại chỗ quần áo cũ, chị Ngọc Quỳnh (32 tuổi, ngụ quận 6) kể: “Sắp tới, nhóm từ thiện của tôi đi Gia Lai, Đắk Lắk và Kon Tum, chúng tôi đang chuẩn bị quần áo để tặng cho bà con vì vùng cao mùa này lạnh lắm. Hôm qua, tôi có gọi điện thoại cho một bạn trên đó, bạn chia sẻ bà con còn thiếu áo ấm, nghe thương quá”.
Hiện chị Ngọc Quỳnh và nhóm từ thiện của mình đang tiếp nhận quần áo, nhu yếu phẩm, xếp thành từng túi quà để sau Tết Dương lịch bắt đầu mang đến bà con. “Cuối năm, mọi người hay dọn dẹp lại tủ đồ nên xin quần áo là dễ nhất, ai có lòng đóng góp thêm mì hay gạo, tôi đều nhận, còn tiền thì không. Có vài người lợi dụng từ thiện rồi tiền bạc không rõ ràng, mất uy tín nên tôi chỉ nhận quần áo, nhu yếu phẩm và chuyển đến cho bà con đang cần. Chúng tôi coi việc tốt như một việc phải làm, chỉ mong chia sẻ để mọi người đỡ chút khó khăn. Tôi không nhận tiền vì sợ không quản lý xuể, không nên để những người có lòng đóng góp mất đi niềm tin vào hoạt động thiện nguyện”, chị Quỳnh chia sẻ.
Và cứ thế, những chuyến đi, những phần quà, chiếc áo ấm, tấm mền… đến với bà con còn khó khăn ở những tỉnh xa. Cái tình cái nghĩa đất phương Nam cứ lan tỏa và lớn dần, không cần ai phải nhắc ai, chỉ cần biết việc trong khả năng thì người ta sẵn sàng chia sẻ. Cái tính hào sảng đã trở thành một cá tính nổi bật của người dân ở thành phố này!