Nghĩa đồng bào ở vùng lũ Bảo Yên

Trận mưa lũ kinh hoàng do cơn bão số 3 đã gây ra những thiệt hại nặng nề về người và tài sản cho huyện Bảo Yên (tỉnh Lào Cai), nhưng chính trong thiên tai bão lũ là lúc thấm thía nhất từ “đồng bào”, vừa thiêng liêng cũng vừa ấm áp.

Có mặt ở thị trấn Phố Ràng (Bảo Yên) trong những ngày này, bên cạnh cảnh hoang tàn, ngổn ngang sau khi nước rút là hình ảnh của những đoàn xe cứu trợ từ khắp mọi miền nối đuôi nhau đến để trợ giúp bà con.

Ghi nhận của PV Báo SGGP, tại thị trấn Phố Ràng, trên nhiều tuyến phố đều có các điểm phát đồ ăn, nước uống, quần áo miễn phí.

z5826394359351_3d371021b48f07428f21d14e00275fdc.jpg
Một điểm phát quần áo miễn phí đặt ngay trên một con phố của thị trấn. Ảnh: LƯU THỦY

Tại trụ sở UBND thị trấn và trụ sở Công an thị trấn, nhu yếu phẩm như bánh mì, nước uống, quần áo cũng được đặt ở trước cửa hoặc trong phòng tiếp dân để bà con đến nhận.

Một cán bộ Công an thị trấn Phố Ràng cho biết: “Lực lượng thì mỏng, đường sá vào trong một số xã chưa vào được, bà con đi bộ ra đây để nhận đồ cứu trợ. Chúng tôi để sẵn để bà con tự nhận lấy những thứ thiết yếu mình cần, các tình nguyện viên là đoàn viên sẽ hướng dẫn bà con”.

z5826394296024_952b5102ca68d3d080ad2c696a0bbfb5.jpg
Trụ sở UBND thị trấn cũng được sử dụng để làm điểm phát hàng cứu trợ cho bà con

Ôm chiếc nón đã rách dùng để đựng bánh mì, nước uống, quần áo vừa nhận được từ các đoàn viên, bà Lý Thị Bình, 52 tuổi, trú xóm 2, xã Xuân Thượng (huyện Bảo Yên) không nén được xúc động, đã òa khóc.

z5826394245018_8565eb152b58f9eaab6ee751fe1ae183.jpg

“Sáng nay nước mới rút hết, tôi đi bộ từ trong nhà ra thị trấn, cách xa 10 cây số để nhận đồ ăn. Hôm trước không ra được, các cán bộ ngoài này phải đem vào. Tôi cảm ơn Nhà nước, cảm ơn mọi người đã quan tâm. Trận mưa lũ năm 2008 đã cướp đi của tôi 2 đứa con, trong đó chỉ một đứa tìm thấy thi thể, còn một đứa thì mất tích. Trận lũ lần này thì cướp đi nhà cửa, ruộng vườn, giờ tôi không biết phải sống thế nào”.

Video: Bà Lý Thị Bình vừa nhận đồ cứu trợ, vừa òa khóc nức nở. Thực hiện: LƯU THỦY

Gia đình bà Bình cũng hết sức khó khăn. Chồng mất sớm, ba đẻ bị ung thư, còn người mẹ thì già yếu. Sau khi chồng và hai đứa con mất đi, bà nhận nuôi một người con, hai mẹ con nương tựa vào nhau để sống. Giờ đây, trận mưa lũ đã cướp đi của bà mái nhà để trú tạm lẫn đám vườn - thứ tài sản để sinh nhai cuối cùng của bà.

Bên cạnh những mảnh đời éo le do thiên tai gây ra ấy, vẫn có những nghĩa cử cao đẹp giúp an ủi, làm ấm lại những tâm hồn bất hạnh.

Video: Nhiều đoàn đem quần áo, thuốc men đến ủng hộ bà con vùng lũ

Cũng tại thị trấn, ngay khi nước lũ vừa rút, cũng là lúc người dân tự giúp nhau dọn dẹp nhà cửa, đồ đạc, thu gom bùn đất, rác thải, nhường cơm sẻ áo, chia cho nhau từng thùng nước sạch. Hàng chục gia đình may mắn vì nước rút sớm, ít hư hỏng đồ đạc đã tự nguyện làm những “bếp ăn dã chiến”, nấu hàng chục suất cơm mỗi ngày để phát cho mọi người.

Ông Trần Văn Dương, nguyên cán bộ Công an huyện Bảo Yên, đã về hưu, chủ một cửa hàng ăn ở Phố Ràng cho biết, suốt hai ngày nay, sau khi nước rút đi, gia đình ông đã cùng mọi người trong khu phố chung tay nấu cơm, mỗi ngày phát từ 250 đến 300 suất cơm cho các gia đình trong thị trấn vẫn còn bị ngập lụt và phát cho bà con từ các xã khác vẫn bị mắc kẹt chưa thể trở về nhà.

z5826394354292_e18c9d7291fc1b7ce25776fe9c4349a5.jpg

Điều đặc biệt, người đàn ông này không muốn gọi đây là “cơm từ thiện” mà ông cho rằng đó đơn giản chỉ là giúp đỡ lẫn nhau lúc khó khăn. “Tôi nghĩ rằng bất kì ở đâu, bất kì ai vào trường hợp này cũng làm thế cả mà thôi”, ông nói. Đây cũng không phải là lần đầu tiên ông làm điều này. Trong trận mưa lũ năm 2008, gia đình ông cũng nấu cơm phát cho mọi người.

Mưa lũ kéo dài nên trường học buộc phải đóng cửa cả tuần nay, chị Nguyễn Thị Hồng Nhung, giáo viên Trường mầm non thị trấn Phố Ràng, trú tại tổ 5A (thị trấn Phố Ràng), từ nhiều ngày qua cũng không được nghỉ ngày nào. Không phải đến trường, nhưng chị còn bận rộn hơn khi cùng mọi người đi phát đồ ăn, quần áo, thuốc men. Chị cùng với các cô giáo ở trường đã lập nhóm để đưa hàng cứu trợ đến tay từng gia đình, từng người đang gặp khó khăn.

Anh Vũ Đức Thịnh, chồng chị Nhung, là nhân viên Công ty Điện lực huyện Bảo Yên, suốt cả tuần qua luôn phải đi nối dây, bảo trì hệ thống điện ở các xã trong huyện, cũng vô tình trở thành “shipper” cho vợ khi mỗi chuyến đi mang theo đồ ăn, nước uống, quần áo, thuốc men cho bà con các thôn, bản ở trong các xã còn bị cô lập.

Không những thế, đôi vợ chồng trẻ cùng với con nhỏ còn chuyển về ở nhà ba mẹ, nhường nhà của mình lại cho các đoàn công tác, đoàn cứu trợ từ xa đến, không thể về kịp trong ngày.

Không chỉ người dân, các trụ sở cơ quan của huyện cũng được “tận dụng” để làm nơi tiếp nhận và phát hàng cứu trợ, nhu yếu phẩm cho bà con. Mưa lũ đã tàn phá tan hoang tất cả, nhưng chính nó cũng đã làm vụt sáng lên một thứ tình cảm thiêng liêng, cao quý của người Việt mà không phải dân tộc nào cũng có được - đó là nghĩa đồng bào.

Tin cùng chuyên mục