Hai tàu nước ngoài (Campuchia, Mông Cổ), trọng lượng hàng ngàn tấn bị đắm, mắc cạn tại cảng Quy Nhơn từ cơn bão số 12 (11-2017) sẽ được trục vớt, cắt sắt, thanh thải ngay tại chỗ để bán phế liệu.
Còn kéo dài...
Ngày 7-3, ông Huỳnh Anh Văn, Trưởng Phòng pháp chế, Cảng vụ Hàng hải Quy Nhơn (Bình Định) cho biết, đến thời điểm này giữa vịnh Quy Nhơn vẫn còn lại 6 xác tàu đắm giữa vịnh, 1 tàu bị sóng đánh vào mõm đá hỏng nát phần đuôi ở ghềnh đá Ghềnh Ráng (Quy Nhơn), do sự cố hàng loạt tàu hàng bị nạn từ cơn bão số 12 (năm 2017).
Theo ông Văn, hiện Cảng vụ Hàng hải Quy Nhơn đã phê duyệt phương án trục vớt, thanh thải để bán phế liệu đối với 2 tàu nước ngoài bị chìm, vỡ ở vịnh Quy Nhơn. Đó là tàu hàng Fei Yue 9 quốc tịch Mông Cổ và tàu Jupiter là tàu du lịch (quốc tịch Campuchia).
Ông Văn lý giải do Tết Nguyên đán nên trục vớt chậm. Ngoài ra, do thời tiết giai đoạn cuối năm 2017 không thuận lợi, biển thường xuyên động gió giật cấp 5, sóng cao lên 3 đến 5 m nên các đơn vị trục vớt không thể triển khai thợ lặn, người, phương tiện…để trục vớt.
“Thời gian trục vớt các tàu bị gặp nạn nói trên không có hạn cuối cùng vì còn phụ thuộc vào thời tiết, có thể sẽ kéo dài. Hiện tại, thời tiết đã ổn định, hi vọng ngày 15-3 tới đây sẽ có 2 chiếc tàu được nổi lên…”, ông Văn cho hay.
Có nhiều ý kiến cho rằng, các đơn vị được “giao phó” để trục vớt các tàu đắm không đủ năng lực để trục vớt, nên mới kéo dài, trì trệ. Trong khi đó, theo đánh giá phía chuyên môn, qua sự cố tàu đắm trên vịnh Quy Nhơn có nhiều “ca” rất khó trục vớt như tàu Biển Bắc 16, chìm giữa luồng vào cảng Quy Nhơn…
Về việc này, ông Huỳnh Anh Văn khẳng định, đối với các đơn vị trục vớt kém năng lực đã tiến hành loại ra ngay từ đầu. “Hiện, những đơn vị được chọn đều có đủ năng lực để trục vớt. Phía Cảng vụ Hàng hải Quy Nhơn sẽ tiếp tục đốc thúc, kiểm tra sâu sát để công tác trục vớt diễn ra nhanh chóng hơn”, ông Văn nói.
Cắt sắt, thanh thải tàu đắm ngay tại biển
Tàu hàng Fei Yue 9, có trọng tải 4.367 tấn, trên tàu có 15 thuyền viên bị gió bão số 12 hất văng lên vách đá núi Ghềnh Ráng (Quy Nhơn); trong đó có 9 người Trung Quốc, đã được người dân và Bộ đội Biên phòng Bình Định giải cứu an toàn.
Tuy vậy, hiện con tàu này bị sóng lớn đánh vào mõm đá lâu nên gãy nát hoen gỉ như sắt vụn, phần đầu tàu bị vỡ nhiều mảnh. Trước đó, để không xảy ra sự cố tràn dần, cơ quan chức năng đã hút hết 31 tấn dầu trên tàu này.
Tàu Jupiter là tàu du lịch, đang được lai dắt từ vịnh Vân Phong (Khánh Hòa) đi Hải Phòng để sửa chữa, khi neo đậu ngoài phao số 0 cảng Quy Nhơn thì bị sóng lớn do bão số 12 đánh lật úp, trôi mất cabin; trên tàu không có máy và không có dầu. Hiện tàu bị lật úp, sắt chuyển màu hoen gỉ.
Trên tàu này, cơ quan chức năng chỉ mới tìm thấy 2 thi thể là thành viên của tàu, vẫn còn 5 người bị mất tích.
Theo Cảng vụ Hàng hải Quy Nhơn, đối với 2 tàu này, cơ quan chức năng cùng với chủ tàu đành phải thanh thải sắt thép, sau đó lập hồ sơ nhập khẩu lại vào Việt Nam để bán phế liệu.
Cũng theo ông Văn, đối với tàu Jupiter do quá lớn nên sẽ không trục vớt, mà tiến hành cắt ra tại biển để thanh thải.
“Hiện vẫn chưa thể tiến hành được vì chưa tập kết được các phương tiện. Việc thực hiện thì chúng tôi không nắm, chúng tôi chỉ phê duyệt và giám sát còn thực hiện thì do các chủ tàu và đơn vị trục vớt. Theo phương án của họ thì sẽ cắt sắt, thanh thải ngay tại biển”, ông Văn nói.
Đối với tàu Fei Yue 9, trong tuần này các bên sẽ triển khai cắt vì nằm ở ghềnh đá.
Về yếu tố bảo đảm môi trường tại vịnh Quy Nhơn, khi thanh thải tàu đắm hàng ngàn tấn giữa vịnh này, ông Văn khẳng định: “Cái này các cơ quan ban ngành của tỉnh đã đánh giá tác động môi trường rồi. Với lại, tàu đấy không có dầu hàng hóa ở trên tàu nên sẽ không có ảnh hưởng gì…”