Mạng xã hội nổi lên video từ một tài khoản nước ngoài ghi lại cảnh một chàng trai ngồi ở ga tàu điện ngầm, kèm nội dung: “Bạn không hoàn toàn rời khỏi công việc của mình, nhưng bạn từ bỏ ý tưởng phải tốt hơn thế nữa. Bạn vẫn đang thực hiện nhiệm vụ của mình trong công việc, nhưng không còn chạy theo văn hóa hối hả rằng công việc phải là toàn bộ cuộc sống”. Đoạn video được chia sẻ nhanh chóng ở nhiều quốc gia và cụm từ “Quiet Quitting” (nghỉ việc trong im lặng) được giới trẻ, nhất là gen Z quan tâm.
1. Theo nhiều bạn trẻ, “nghỉ việc trong im lặng” được hiểu là nhân viên làm đủ và đúng phần việc mình chịu trách nhiệm, rời văn phòng đúng giờ và gần như ngắt kết nối với đồng nghiệp sau giờ làm. Khái niệm này được nhiều bạn trẻ dùng với ngụ ý, công việc không nên chiếm quá nhiều thời gian trong cuộc sống.
Nguyễn Minh Anh (nickname Aminh@) chia sẻ trên một diễn đàn rằng, mình đã từng là một con “sâu việc” trước khi nhận ra mình phải sống khác đi. Bạn chia sẻ thế này: “Tôi từng yêu công việc của mình kinh khủng, không chỉ là chuyện thu nhập mà là cảm hứng. Tôi có quá nhiều ý tưởng và luôn lo sợ mình sẽ không thực hiện được ý tưởng đó. Và cứ thế, công việc, đồng nghiệp cuốn tôi đi.
Đến một ngày, tôi chán, ám ảnh với công việc, sợ hãi cách đồng nghiệp ghen ghét nói xấu mình. Tôi tắt hết máy tính khi về nhà và tuyên bố rằng, mình sẽ không nhận bất cứ cú điện thoại nào liên quan đến công việc ngoài giờ đến công ty… Tôi đang tận hưởng sự lựa chọn của mình”.
Nhiều ý kiến từ các nhà quản lý nhân sự cùng chung nhìn nhận, thế hệ gen Z khi bắt đầu đi làm đã đối mặt với hơn 2 năm ảnh hưởng của đại dịch trên toàn cầu, điều này ít nhiều ảnh hưởng đến thị trường lao động. Vì thế mà văn hóa làm việc của họ thường gắn liền với sự chăm chỉ và hối hả tìm công việc sau khi tốt nghiệp.
Khó khăn của kinh tế sau đại dịch, nỗi lo tự lập đối mặt với áp lực chi tiêu trong mùa “bão giá”, làm việc chăm chỉ trở thành nỗi ám ảnh vô hình trong người trẻ, và sự xuất hiện của “Quiet Quitting” trở thành chủ đề được nhiều bạn trẻ đón nhận. Bên cạnh đó, là khoảng cách thế hệ trong công ty, người trẻ khó hòa nhập với môi trường, vì thế mà “nghỉ việc trong im lặng” như một lý do chính đáng cho việc họ rời xa tập thể.
“Tôi làm đúng phần việc mình chịu trách nhiệm và được giao, sau giờ làm gần như tôi chưa bao giờ đi ăn, hay cà phê với đồng nghiệp. Tiệc tất niên, đi du lịch cùng công ty lại càng không, tôi thấy mình rất khó hòa nhập, vì đôi khi ngôn ngữ và cách trò chuyện của giới trẻ không phù hợp với thế hệ trước. Để tránh những hiểu lầm không đáng có, tôi gần như ít tụ tập với đồng nghiệp sau giờ làm, hay bàn luận chủ đề khác ngoài công việc”, Huỳnh Thị Thu Trang (24 tuổi, giáo viên đồ họa, ngụ quận 8, TPHCM) chia sẻ.
2. Bài toán quản lý nhân sự cũng đặt ra không ít thách đố với các nhà quản lý, khi công ty có nhiều thế hệ, nhất là sau những đợt tuyển dụng nhân sự mới. Chuyện dung hòa thế hệ trong môi trường công sở không dễ. “Gần 50% nhân sự ở công ty tôi là các bạn trẻ gen Z và gần một nửa trong số đó rất ít tham gia các hoạt động tập thể. Các bạn vẫn làm tốt công việc, nhưng chuyện giao tiếp và tương tác nhiều hơn thì không. Và tôi cũng từng chứng kiến những mâu thuẫn công sở rất vụn vặt như cách bông đùa, gu thời trang… Khoảng cách giữa bạn trẻ và người thế hệ trước càng xa thì càng khó hiểu và khó hợp nhau, nên mâu thuẫn nhỏ cũng trở thành áp lực. Sắp xếp nhân sự làm việc, thậm chí bố trí không gian ngồi, chúng tôi cũng phải cân nhắc, để dung hòa được các thế hệ trong công ty, nếu không chỉ có sự cách biệt”, chị Phan Nguyễn Tuyết Mai (29 tuổi, trưởng phòng nhân sự một sàn giao dịch bất động sản tại quận 12, TPHCM) chia sẻ.
Nhưng khoảng cách thế hệ là điều không thể tránh khỏi trong môi trường tập thể. “Quiet Quitting” không có nghĩa chúng ta không đối mặt nhau, chỉ đơn thuần là cắt giảm những kết nối sau giờ làm. Khác với làm việc tự do, môi trường công sở không thể ngày một ngày hai, mà chúng ta phải đối diện và gặp gỡ mỗi ngày.
Minh Tú (cựu du học sinh đang làm việc cho một tập đoàn nước ngoài) chia sẻ trên một nhóm về chủ đề “Quiet Quitting” trên Facebook rằng: “Học cách hòa nhập và dung hòa khoảng cách thế hệ khi đi làm cũng là một kỹ năng quan trọng với người trẻ khi bắt đầu trở thành người đi làm. Đâu phải người ta không thích bạn vì bạn sơn móng tay hay nhuộm tóc thì bạn phải thay đổi hay thách thức ngược lại. Hãy chứng minh cho họ thấy, bạn hợp thời, bạn hiện đại nhưng bạn luôn thân thiện với mọi người. Quan trọng hơn cả, hiệu quả công việc của bạn mới là tiên quyết…”.