Trong đó, ngành y tế nghỉ nhiều nhất với hơn 10.000 người. Một số ngành tưởng chừng nhiều năm qua ổn định về việc làm, thu nhập như: BHXH, bưu chính viễn thông, giao thông vận tải, giáo dục…, cũng có khá đông trường hợp xin nghỉ việc, bỏ việc. Ngành đường sắt có hai đoàn tiếp viên đường sắt là Hà Nội và Phương Nam có đến hơn 500 trường hợp nghỉ việc, bỏ việc. Nhiều năm trước, nghề tiếp viên đường sắt luôn có sức hút mạnh đối với lao động trẻ, nhưng nay lại thiếu hụt trầm trọng và rất khó tuyển đủ người cho nhu cầu ngày càng cao khi tăng chuyến.
Nguyên nhân đã được nhận diện. Trong đó, với ngành y tế và một số ngành, là do thực hiện chủ trương tinh giản biên chế một cách vội vã, cào bằng, chưa xét đến việc sử dụng lao động kỹ thuật, công nghệ cao với yêu cầu đầu tư, quản lý theo hướng chuyển đổi số. Một nguyên nhân khác là môi trường làm việc ở một số ngành, lĩnh vực có tình trạng ganh đua, cạnh tranh không lành mạnh và có sự đánh giá thiếu công bằng về chất lượng công tác, năng lực làm việc của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Một số cán bộ quản lý, lãnh đạo đơn vị coi thường nhân viên và ứng xử không có lý, có tình cũng là nguyên nhân khiến công chức, viên chức, người lao động cảm thấy bị xúc phạm, không được coi trọng nên nghỉ việc, bỏ việc.
Những nguyên nhân của tình trạng nghỉ việc, bỏ việc trên nếu không sớm được khắc phục thì về lâu dài, đặc biệt ở một số ngành, lĩnh vực mũi nhọn trong các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp nhà nước, sẽ không có người giỏi, người có năng lực, tâm huyết cống hiến cho sự phát triển. Giải pháp trước mắt và lâu dài được nhiều ý kiến đưa ra là ngoài việc cải cách tiền lương, chế độ đãi ngộ hợp lý, thì còn cần có các chính sách khuyến khích người tài và quy hoạch, đào tạo, nâng cao trình độ, tay nghề, bảo đảm điều kiện làm việc cho đội ngũ công chức, viên chức, người lao động phù hợp với yêu cầu phát triển của khoa học, công nghệ hiện đại trong xu thế chuyển đổi số hiện nay.