60 bộ trang phục trong đêm thi trang phục truyền thống (National Costume) của cuộc thi Hoa hậu Hòa bình Việt Nam 2022 (Miss Grand Vietnam 2022) tạo sự thích thú cho khán giả. Nhiều trang phục được lấy ý tưởng từ những điều rất quen thuộc trong văn hóa Việt như: đám cưới, hoa sen, con cò, cây lúa, các tích dân gian, đặc sản vùng miền…
Tuy nhiên, có không ít trang phục cũng gây ra những luồng tranh cãi trái chiều bởi những sự phá cách và lai căng. Điều đáng nói, đa phần các tác giả của những bộ trang phục này đều là sinh viên, thậm chí có những bạn trẻ là học sinh cấp 3, có người chỉ mới 15 tuổi cũng tham gia.
Người trẻ tìm về truyền thống giờ không còn là trào lưu mà đã trở thành xu hướng chủ đạo trong dòng chảy về văn hóa truyền thống.
Sự phát triển của công nghệ, internet thuận lợi giúp người trẻ dễ dàng tìm kiếm kho tư liệu về văn hóa dân gian. Đa phần bắt đầu bằng sự tò mò, muốn đi tìm bản ngã và trả lời cho câu hỏi đâu là đặc trưng truyền thống Việt Nam, đó là lý do dự án của các cá nhân cho đến các hội nhóm nở rộ, được thực hành bởi những người trẻ là học sinh, sinh viên, thậm chí đang sinh sống và học tập ở nước ngoài.
Từ các loại hình nghệ thuật truyền thống như: tuồng, chèo, cải lương, đờn ca tài tử, dân ca quan họ… cho đến việc nghiên cứu về cổ phục, phục dựng tranh dân gian, làm game… đều cho thấy sức sáng tạo không giới hạn của người trẻ. Vậy nên mới có sự kết hợp để tạo nên bộ bài tuồng tích, âm thanh điện tử với tuồng…
Nhưng, nhìn từ sự sáng tạo các trang phục dân tộc ở các cuộc thi hoa hậu cho đến các dự án thực hành nghệ thuật truyền thống, một vấn đề đặt ra, đâu là giới hạn cho những sáng tạo nói trên? Bản thân nghệ thuật luôn cần đổi mới và nghệ sĩ luôn kêu gọi không nên giới hạn sáng tạo. Nhưng với nghệ thuật truyền thống, sự đam mê, yêu thích mới chỉ là nền tảng bước đầu. Sáng tạo từ mỗi loại hình nghệ thuật, hay yếu tố văn hóa truyền thống luôn cần có và phải dựa trên những quy chuẩn riêng. Đó không phải là sự gò bó hay giới hạn, đó là sự tôn trọng.
Vậy nên, mỗi sản phẩm phải dựa trên sự nghiên cứu, tìm hiểu kỹ lưỡng để khi ra đời đảm bảo các giá trị về mặt thẩm mỹ, tư tưởng, giữ được nét văn hóa nhưng vẫn bộc lộ cá tính của người sáng tạo. Sáng tạo do đó cũng cần sự tiết chế để không bước qua ranh giới của sự lai căng, làm mất đi giá trị nguyên bản. Người trẻ có thừa sự tự tin, nhạy bén và sáng tạo, song điều họ cần học chính là sự trải nghiệm và tích lũy để mỗi sản phẩm ra đời sẽ nâng tầm truyền thống.