
Tôi rất xúc động đọc đi đọc lại nhiều lần bài thơ của Bác năm Quí Mùi 1943 khi Bác vừa ra khỏi tù ở Quảng Tây, Trung Quốc. Do bị tra tấn hành hạ, đày ải qua khoảng 30 nhà tù, sức khỏe Bác bị suy sụp nặng, mắt mờ, chân đi không vững, Bác phải tập leo núi để có sức về với nhân dân phục vụ cách mạng. Bài thơ này thể tứ tuyệt chữ Hán Tân xuất ngục, học đăng sơn (Mới ra ngục, tập leo núi), nguyên văn như sau:
“Vân ủng trùng sơn, sơn ủng vân
Giang tâm như kính tịnh vô trần
Bồi hồi độc bộ Tây Phong Lĩnh
Dao vọng Nam thiên ức cố nhân”
Nhà thơ Nam Trân đã dịch như sau:
“Núi ấp ôm mây, mây ấp núi
Lòng sông gương sáng bụi không mờ
Bồi hồi dạo bước Tây Phong Lĩnh
Trông lại trời Nam nhớ bạn xưa”

Bác Hồ và thiếu nhi.
Bản dịch cũng theo thể thơ tứ tuyệt, tả cảnh, tả tình như một bức tranh phong cảnh rất đẹp. Tuy nhiên, theo suy nghĩ thô thiển của tôi, bài thơ chưa nói được các suy nghĩ thâm thúy sâu xa của Bác Hồ. Trước hết về từ ngữ: Chữ “trùng sơn” là dãy núi chứ không phải là ngọn núi đơn độc, lẻ loi; chữ “ủng” có nghĩa ôm ấp, che đậy nhưng cũng còn có nghĩa nâng đỡ, giúp đỡ, bảo hộ.
Chữ “độc bộ” là đi một mình hàm ý nặng nề buồn bã. Dịch là “dạo bước” thấy ung dung thư thái quá. Chữ “dao vọng” dịch là “trông lại” về nghĩa không sai nhưng có lẽ chưa hết ý tình của tác giả. “Dao vọng” là hướng về, còn có nghĩa là buồn bực hướng về, vì chữ “dao” còn có nghĩa lo buồn.
Về nội dung, bản dịch nặng về tả cảnh, vẽ lên một bức tranh đẹp, nhưng cái đẹp của bài thơ không chỉ ở chỗ cảnh trí hữu tình này. Bác Hồ đã từng viết trong Cảm tưởng khi đọc Thiên gia thi như sau:
“Thơ xưa yêu cảnh thiên nhiên đẹp
Mây, gió, trăng, hoa, tuyết, núi, sông.
Nay ở trong thơ nên có thép,
Nhà thơ cũng phải biết xung phong”
Do đó, viết bài thơ Tân xuất ngục, học đăng sơn ý Bác là muốn qua các hình ảnh đẹp, gửi vào đấy cả tâm hồn, ý chí của mình. Điều này thể hiện trong nhiều bài thơ của Bác.
Cũng từ suy nghĩ trên, phải chăng trong bài thơ Tân xuất ngục, học đăng sơn ý của Bác là muốn thông qua cảnh trí đẹp nói về lòng dạ của mình, quan điểm của mình, về mối quan hệ giữa Dân và Đảng. Bác hình dung “vân ủng trùng sơn” là mây, là nhân dân bao che cho dãy núi là Đảng trong mối tình ấm áp ruột thịt giữa nhân dân và Đảng. Còn “sơn ủng vân” núi tức là Đảng, là trụ cột vững chắc, chỗ dựa để nâng mây lên, hướng nhân dân đấu tranh để giải phóng và cải thiện cuộc sống của mình.
Câu “giang tâm như kính tịnh vô trần” cũng phải chăng Bác muốn mượn lời thơ bày tỏ lòng mình qua những tháng ngày bị đày đọa trong ngục tù ảm đạm vẫn trong sáng như gương, tuyệt không một chút bợn nhơ.
Hai câu sau:
“Bồi hồi độc bộ Tây Phong Lĩnh
Dao vọng Nam Thiên ức cố nhân”
Cũng phải chăng có ý là trong tập luyện nặng nề, tập leo núi một mình, để rèn luyện chân vững chắc trở về Tổ quốc chiến đấu, lòng Bác luôn bồn chồn, khắc khoải lo lắng cho quê hương, luôn hướng về quê nhà ở trời Nam, nhớ những người bạn chiến đấu xưa...
Trong đợt học tập tư tưởng Hồ Chí Minh, nhân kỷ niệm 114 năm ngày sinh, 35 năm ngày Bác đi xa, với suy nghĩ phải tìm học tập tư tưởng, quan điểm tác phong của Bác trong từng khía cạnh dù nhỏ nhất của cuộc đời Bác, đọc bản dịch bài thơ Tân xuất ngục, học đăng sơn tôi cảm thấy bài dịch của nhà thơ Nam Trân chưa nói được hết cái thần trong thơ của Bác, nên mạo muội có những nhận xét nói trên và cũng mạo muội thử dịch bài thơ của Bác như sau:
“Mây ôm dãy núi, núi nâng mây
Gương sáng lòng sông không tí bụi
Dãy Tây Phong một mình leo núi
Buồn hướng trời Nam nhớ bạn xưa”
Mong được bạn đọc, các bậc cao minh nhận xét, chỉ dạy thêm và tiếp dịch, sao cho lột hết cái thần và cái đẹp giàu hình ảnh và nhạc điệu trong bài thơ này của Bác.
TÔ BỬU GIÁM