DÂN là tuần báo công khai của Xứ ủy Trung Kỳ, xuất bản tại Huế năm 1938, phát hành rộng rãi lúc bấy giờ. DÂN xuất bản được 17 số thì bị nhà cầm quyền Pháp đình bản, đóng cửa.
Báo DÂN số 1, trên trang nhất ghi rõ tôn chỉ mục đích, phương châm hành động, do nhà cách mạng Phan Đăng Lưu viết, nổi bật 3 điều: “1/ DÂN đúng như tên gọi của nó là tờ báo của dân, những ý muốn chính đáng, những lời phàn nàn có căn cứ đều được bày tỏ trên tờ báo này. 2/ DÂN yêu cầu anh chị em gắng thế nào cho mỗi làng, mỗi sở công, sở tư, mỗi trường học, mỗi nhà máy, ít nhất cũng được một bạn đọc. 3/ DÂN yêu cầu anh chị em đối với nó thấy có khuyết điểm gì cứ thành thật chỉ trích, để sửa đổi dần cho thành một cơ quan ngôn luận hoàn toàn”.
Báo Dân xuất bản năm 1938
Các nhà cách mạng tiền bối đều là những nhà báo lớn. Đối với họ, làm báo, viết báo là để tuyên truyền, cổ động, tổ chức cách mạng, tập hợp dân chúng.
Hãy lắng nghe “Những ý muốn chính đáng, những lời phàn nàn có căn cứ” của dân, thông qua báo chí. Né tránh báo chí là né tránh chính mình. Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương, nhấn mạnh điều này.
Phát biểu tại cuộc hội thảo khoa học về báo DÂN ngày 6 tháng 7, ông nhắc đến việc cán bộ, đảng viên, các cơ quan công quyền cần lắng nghe hơi thở, lắng nghe “Những ý muốn chính đáng”, “những lời phàn nàn có căn cứ” của người dân. Những biểu hiện xa dân là hết sức nguy hại cho uy tín của Đảng, chính quyền. Ông cũng nhắc đến những bài học vẫn nguyên vẹn tính thời sự của báo DÂN đối với các cơ quan báo chí ngày nay, đó là công việc tổ chức phát hành tờ báo được “Dân chúng ham chuộng” như Bác Hồ đã dạy tới dân chúng, mạng lưới phát hành sâu rộng tới mọi vùng miền; rằng tờ báo phải sống được từ phát hành, từ bán báo, từ bằng sự nỗ lực của chính mình.
Nhà báo, nhà văn lão thành Phan Quang, nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, người có hơn 70 năm gắn bó với nghề báo, nghiệp văn gửi đến hội thảo tham luận, vẫn đau đáu một nỗi niềm: “Văn phong Phan Đăng Lưu (chủ bút báo DÂN) bình dân mà đầy trí tuệ. Ấy là do phải bươn chải để tờ báo có thể sống nhờ độc giả phần lớn là người bình dân, song sâu xa, căn cốt hơn theo chúng tôi nghĩ, là bắt nguồn từ tính cách một người viết gắn bó với dân, vì lợi ích của dân dám vượt lên tất cả, đương đầu với cái chết. Tính chiến đấu quyện với tính chất đời thường mà không dung tục ấy của báo chí cách mạng dường như nay đang bị lãng quên”.
Trước cuộc hội thảo báo DÂN 3 ngày, một lãnh đạo cơ quan báo chí phát biểu tại một diễn đàn chính thức về chất lượng đội ngũ cán bộ báo chí tại cơ quan mình; ông nói có tới 40% số người làm việc làng nhàng, chất lượng công việc thấp, giao cho họ việc gì cũng khó khăn.
Nếu sự thật đúng như vậy, thì điều mà nhà báo Phan Quang nêu tại hội thảo là chí lý, chí tình. Đặt trong bối cảnh đó, rõ ràng hội thảo, sự luận bàn những bài học sâu sắc có thể rút ra từ báo DÂN, ấn phẩm công khai của Xứ ủy Trung Kỳ cách đây 8 thập niên là rất có ý nghĩa về đời sống báo chí nước nhà ngày nay; bao gồm cả việc lắng nghe “Những ý muốn chính đáng, những lời phàn nàn có căn cứ” mà nhà cách mạng tiền bối Phan Đăng Lưu, chủ bút báo DÂN đã khẳng định 80 năm trước.
Sự đồng thuận của lòng DÂN, sức mạnh của nhân dân quyết định tất cả! Bài học sống còn này là mãi mãi, không bao giờ cũ.