Tôi nhấn kính xe đón ngọn gió thổi về từ sông Sài Gòn mơn man trên mặt và cảm nhận rất rõ hơi thở của đất trời phương Nam trong những ngày đặc biệt, những ngày thành phố phập phồng trong hơi thở nồng nàn hiếm hoi của mùa đông, một cảm giác không phải lúc nào cũng có ở mảnh đất quanh năm đầy nắng này.
Nhiều lần phóng xe qua cầu Thủ Thiêm 1, nhưng lần đầu qua cầu Thủ Thiêm 2, trong tôi vẫn còn nguyên những cảm xúc tươi mới như khi đến với vùng bưng Thủ Đức sau những năm chiến tranh. Không đơn giản chỉ là cây cầu, Thủ Thiêm 2 là một gạch nối, nối liền mạch máu giao thông với khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Hay nói như Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi: Công trình cầu Thủ Thiêm 2 đã hoàn thành sẽ góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông trục chính, tăng kết nối khu trung tâm với khu đô thị mới Thủ Thiêm, tăng cường thu hút đầu tư, tạo sức hút để đảm bảo hoàn thành mục tiêu xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm trước năm 2030.
Chỉ dài 1,5km, 6 làn xe, nhưng cầu Thủ Thiêm 2 là một biểu tượng mới của TPHCM, với mức đầu tư 3.082 tỷ đồng, bắt đầu từ giao lộ Tôn Đức Thắng - Lê Duẩn (quận 1) vượt sông Sài Gòn và kết nối với đại lộ vòng cung của khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Cầu Thủ Thiêm 2, tên mới là cầu Ba Son, có kiến trúc nổi bật, hệ thống chiếu sáng mỹ thuật, có thể coi là một công trình nghệ thuật độc đáo, một điểm nhấn kiến trúc trên sông Sài Gòn. Nhưng hơn thế, sự kiện thông xe cầu Thủ Thiêm 2, là cột mốc đánh dấu những nỗ lực đặc biệt của thành phố mang tên Bác, trong mục tiêu phục hồi kinh tế - xã hội sau đại dịch Covid-19, tạo sức bật quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội năm Quý Mão.
Cầu Thủ Thiêm 2 là gạch nối, nối liền mạch máu giao thông với khu đô thị mới Thủ Thiêm. Ảnh: HOÀNG HÙNG |
Không hoành tráng như cầu Thủ Thiêm 2, nhiều dự án mới, nhỏ hơn, nhưng ý nghĩa dân sinh không hề nhỏ, đã và đang hoàn thành vào cuối năm 2022, khiến bộ mặt giao thông thành phố hiện đại và khang trang hơn. Được khởi công tháng 5-2021, thi công trong 11 tháng, đường Song Hành đại lộ Võ Văn Kiệt cũng khánh thành ngày 26-4-2022, giúp hoạt động lưu thông vào trung tâm thành phố thuận tiện và thông thoáng hơn.
Cầu Bưng, một công trình trọng điểm của giao thông thành phố, với vốn đầu tư 515 tỷ đồng, vừa khánh thành, đã tháo gỡ hiệu quả “nút thắt cổ chai” giữa 2 quận Bình Tân và Tân Phú, xóa điểm đen giao thông ở cửa ngõ Tây Bắc TPHCM, giải tỏa những ách tắc giao thông ra vào sân bay Tân Sơn Nhất. Công trình cải tạo kênh Nước Đen, con kênh được coi là ô nhiễm nhất thành phố, chảy qua khu vực Bình Hưng Hòa (quận Bình Tân) hoàn thành sau 2 năm với 600 tỷ đồng vốn đầu tư, đã làm sạch dòng chảy, đường sá 2 bên bờ được mở rộng, tạo môi trường sinh sống thoáng đãng cho hàng vạn hộ dân ven bờ kênh - một công trình có ý nghĩa lớn về mặt dân sinh.
Và cuối cùng, tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), dự án đường sắt đô thị đầu tiên của TPHCM, niềm mơ ước của người dân thành phố, sau 10 năm vật vã, đã chính thức chạy thử nghiệm vào ngày 21-12-2022, đặt dấu mốc quan trọng trên con đường khởi động cho công cuộc bứt phá trước thềm xuân Quý Mão.
2. Không riêng lĩnh vực giao thông, chỉ một năm sau đại dịch Covid-19, chưa hết năm 2022, nhiều chuyên gia kinh tế thật sự ấn tượng với nhiều con số về kinh tế - xã hội khó hình dung. Trước tác động khủng khiếp và chưa có tiền lệ của đại dịch Covid-19 mà có những thời điểm tưởng chừng không thể vượt qua, vốn là một vùng đất năng động tiên phong trong đổi mới kinh tế, lãnh đạo TPHCM, với truyền thống luôn bám sát thực tiễn, đồng hành cùng người dân và doanh nghiệp; đã có quyết định lịch sử: ban hành một nghị quyết đặc biệt cho giai đoạn phục hồi kinh tế ngay khi thành phố vừa cơ bản kiểm soát được dịch bệnh - Nghị quyết 05, thể hiện ý chí “Diên Hồng” của Đảng bộ và nhân dân TPHCM. Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm là đổi mới công tác quản trị, tìm ra những động lực mới cho tăng trưởng và phát triển, tập trung tháo gỡ, giải quyết các khó khăn, vướng mắc về thể chế, nhất là trong lĩnh vực đầu tư, hạ tầng, khắc phục nhanh nhất có thể những đứt gãy trong chuỗi sản xuất…
Kết quả, đến nay, đã có thể cân đong đo đếm được. Từ tăng trưởng âm cuối năm 2021, sau những tháng xơ xác vì đại dịch, kinh tế thành phố đã có những bứt phá thần tốc vào năm 2022. Con số thống kê cho biết, năm 2022, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 9,03% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu đạt gần 41 tỷ USD, nhập khẩu đạt 47,8 tỷ USD, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt hơn 1.089 tỷ đồng (tăng gần 30,5%), doanh thu du lịch lữ hành đạt hơn 6.700 tỷ đồng (tăng 190%).
Có hơn 44.300 doanh nghiệp được cấp phép thành lập mới với tổng vốn đăng ký hơn 472.000 tỷ đồng; thu hút vốn đầu tư nước ngoài gần 4 tỷ USD. Đặc biệt, thu ngân sách ước đạt hơn 471.000 tỷ đồng (gần 122% dự toán), tăng gần 23,6% so với cùng kỳ... Đó là sức mạnh tổng hợp của những ý tưởng táo bạo, chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo thành phố và sức sáng tạo mạnh mẽ của doanh nghiệp, của người dân thành phố mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh...
3. Nhưng, con số vẫn chỉ là con số. Ở điểm cuối của chặng hành trình, tôi muốn mục sở thị thêm một thành quả của hành trình vượt bão năm 2022. Đó là lý do tôi lái xe vượt qua cầu Thủ Thiêm 2, ra xa lộ Hà Nội chiêm ngưỡng con đường sắt Bến Thành - Suối Tiên, cuối cùng dừng chân ghé thăm một khu đô thị mới ở TP Thủ Đức.
Chạy xe vòng quanh khu đô thị hiện đại và tiện nghi, bất chợt tôi nhận ra cái tâm và cái tầm của nhà đầu tư và hơn cả là tầm nhìn nhân văn của các nhà lãnh đạo thành phố và mục tiêu kêu gọi đầu tư: tất cả cho con người và vì con người. Mục tiêu đó, đương nhiên là phát triển nhắm tới nâng cao chất lượng sống của người dân TPHCM, và vẫn lấy giao thông đi trước một bước. Có lẽ vậy nên bên cạnh những công trình giao thông trọng điểm đã có, thành phố vừa khởi công hàng loạt công trình: công trình nối đường Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa (Tân Bình), vốn đầu tư 4.848 tỷ đồng, kết nối với sân bay Tân Sơn Nhất.
Với 3.408 tỷ đồng, nút giao thông An Phú (TP Thủ Đức) cũng được khởi công vào những ngày cuối năm 2022, để kịp hoàn thành vào năm 2025, kết nối với cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, đường Mai Chí Thọ. Khởi công, nâng cấp quốc lộ 50: Mở rộng 7km thành đường 6 làn xe, xây dựng 4km đường mới song hành cũng 6 làn xe, giải quyết bài toán lưu thông với tỉnh Long An và các tỉnh thành ĐBSCL…
Mặt trời đã lên cao nhưng không khí vẫn còn se lạnh. Đi thơ thẩn giữa công viên nhìn những đám trẻ cười đùa bên những chiếc dù hoa, có cảm giác như mình đang lạc vào một thành phố phương Tây nào. Không hẳn cư dân nào cũng đủ điều kiện sinh sống ở khu đô thị mới này. Nhưng cứ mường tượng về vùng đất hoang vu, đầy bùn lầy, chìm trong cỏ lác, cỏ năn và dừa nước cách đây mấy chục năm, nay trở thành một khu đô thị hiện đại vào bậc nhất nước, cũng đã thấy nỗ lực của lãnh đạo và nhân dân thành phố lớn đến mức nào. Dĩ nhiên, sẽ cần nhiều hơn những đô thị bình dân cho các tầng lớp dân nghèo. Sẽ cần nhiều hơn những nhà ở xã hội. Nhưng đó không phải những việc có thể làm ngày một ngày hai. Và cần sự nỗ lực đồng bộ không chỉ của doanh nghiệp mà của cả nhiều cấp, nhiều ngành.
4. Vượt qua mọi khó khăn của cuộc đời, nhịp sống vẫn tiếp tục không ngừng nghỉ. Thách thức sẽ là chuyện đương nhiên, nhưng tôi tin ở quyết tâm của lãnh đạo TPHCM sau phát biểu của Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên tại Hội nghị Thành ủy lần thứ 19: “Nhiệm vụ năm 2023 sẽ rất nặng nề, đòi hỏi chúng ta phải thích ứng linh hoạt, chủ động, quyết liệt hơn nữa trong lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành với những giải pháp sáng tạo, năng động để huy động các nguồn lực mạnh hơn nữa”.
Linh hoạt, năng động, sáng tạo…, đó là “đặc sản” của TPHCM. Cái khó sẽ không thể bó cái khôn. Câu thần chú: sẽ là khơi thông năng lượng tinh thần, tìm giải pháp trong chính thực tiễn, trong chân lý nhân dân. Đó là con đường duy nhất để chúng ta vượt lên chính mình, vượt qua thách thức. Tìm “cơ” trong “nguy”, những người con Bến Nghé - Đồng Nai, chắc chắn sẽ tìm ra những động lực mới, sẵn sàng xông lên, đưa con tàu thành phố mang tên Bác “đi trước và về đích trước” như lời của cố Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu trong kỳ vọng của nhân dân cả nước.
Tôi quay về Sài Gòn lúc trời đã quá trưa. Mặt trời ẩn đâu đó sau những đám mây. Trời vẫn ong ong, tai tái. Trước mặt tôi, xa lộ Hà Nội tấp nập từng dòng xe cộ, như chưa từng biết đến những tháng năm Covid-19 khốc liệt vừa trải qua.
Bất chợt, tôi hình dung ra một tương lai không xa, khi những công trình lớn của thành phố và cả nước vào bệ phóng: Sau đường sắt Bến Thành - Suối Tiên là các dự án đường sắt đô thị Thủ Thiêm - Bến Thành - Tham Lương. Sau cầu Thủ Thiêm 2 sẽ là các cầu Thủ Thiêm 3, 4; cao tốc Bến Lức - Long Thành; cao tốc TPHCM - Chơn Thành; cao tốc TPHCM - Mộc Bài - Xa Mát, đường Vành đai 3…