Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ: Đảm bảo thiết thực, tránh dàn trải, phòng chống tham ô lãng phí

Chiều 4-1, Quốc hội làm việc tại tổ, thảo luận dự thảo nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Triển khai nhanh, quyết liệt

Ghi nhận nền kinh tế vẫn có những điểm sáng, là nền tảng tốt cho phục hồi và phát triển, từ điểm cầu Nhà Quốc hội, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc (ĐBQH TPHCM) nhận định, mặc dù mức tăng trưởng GDP thấp nhất trong 10 năm qua, song kinh tế vĩ mô ổn định, xuất khẩu đạt khá, đặc biệt là nông sản, thu ngân sách vẫn vượt dự toán… “Chính vì thế, chính sách hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội là rất cần thiết. Tôi cơ bản đồng tình và nhận thấy báo cáo của Chính phủ về vấn đề này đã được chuẩn bị khá kỹ, không chỉ nêu ra mục tiêu mà đã có những giải pháp cụ thể”, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc nói. 

Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM họp trực tuyến tại điểm cầu TPHCM ngày 4-1. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Nhận xét cụ thể về gói hỗ trợ tài khóa, theo Chủ tịch nước, đề xuất của Chính phủ là “ở mức tối thiểu cần thiết”, tuy không lớn nhưng như vậy là hợp lý để đảm bảo kiểm soát rủi ro, nhất là rủi ro lạm phát. Nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác thực thi, Chủ tịch nước yêu cầu “khẩn trương, quyết liệt triển khai để những khoản hỗ trợ đến ngay với người dân, doanh nghiệp; trong quá trình đó cần giám sát chặt chẽ để phòng chống tham ô lãng phí”. Tương tự, công cụ thuế cần được sử dụng thật tốt để giúp đỡ doanh nghiệp trong lúc khó khăn nhưng cũng đảm bảo cân bằng ngân sách, an ninh tài chính quốc gia. Cùng với đó, cần nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế; phát huy tính tự cường, nâng cao năng suất lao động thông qua công tác đào tạo nghề… Đồng ý với giải pháp hỗ trợ lãi suất nhưng Chủ tịch nước lưu ý hài hòa lợi ích giữa tất cả các bên, vì “ngân hàng cũng cần có lãi”. 

Đồng tình với sự cần thiết triển khai nhanh gói hỗ trợ, ĐB Nguyễn Phú Cường (Đồng Nai), Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, phát biểu: “Người ốm cần thuốc, cần bồi dưỡng sau khi khỏi bệnh. Kinh tế Việt Nam cũng vậy. Nếu chỉ đạo kiên quyết như chống dịch thì hiệu quả giải ngân sẽ rất cao”. Theo ông, cần kích cả cung và cầu, trong đó “kích cầu đầu tư hiệu quả và an toàn hơn kích cầu tiêu dùng”.

Cũng từ điểm cầu Nhà Quốc hội, ĐB Nguyễn Minh Đức (TPHCM), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh, lưu ý, trong triển khai chương trình hỗ trợ cần đảm bảo tính thực tế, tránh dàn trải. “Trước khi có gói này đã có những gói hỗ trợ khác, hiệu quả thế nào? Hiện nay đang có một nghịch lý là sản xuất kinh doanh bị ngừng trệ, nhất là du lịch, giao thông vận tải nhưng tiền đổ vào chứng khoán, bất động sản lại tăng mạnh, vượt sự kiểm soát. Cần tập trung ưu tiên cho sản xuất kinh doanh thật sự”.

Trong số các lĩnh vực dự kiến được “tiếp sức”, ĐB Nguyễn Minh Đức đặc biệt lưu ý đến y tế. ĐB Đức ví von: “Phải lật ngược lại hình chóp của ngành y tế hiện nay, đầu tư mạnh cho y tế cơ sở. Người dân phải được tiếp xúc y tế với chất lượng tốt ngay ở tuyến cơ sở thay vì phải ùn ùn kéo về thành phố lớn”. Đồng tình với chính sách hỗ trợ thuê nhà trọ cho người lao động, song ông đề nghị Chính phủ rà soát sát sao, đảm bảo đúng đối tượng thụ hưởng, có hàng rào kỹ thuật để tránh trục lợi. Về hỗ trợ lãi suất, ĐB đề nghị có dự báo kịch bản nợ xấu để phòng ngừa. 

Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính

Tham gia thảo luận tại điểm cầu Đoàn ĐBQH TPHCM, ĐB Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM, đề nghị trong việc hỗ trợ lãi suất, cần làm rõ ngành nào được ưu tiên hỗ trợ và tỷ trọng cụ thể mỗi ngành là bao nhiêu để đảm bảo triển khai đồng bộ, không bị thiên lệch giữa các ngành. Trong đó, theo ĐB, ngành nông nghiệp cần được hỗ trợ lớn nhất. ĐB Trần Hoàng Ngân lưu ý, có nhiều doanh nghiệp bị đại dịch Covid-19 tàn phá trong 2 năm qua, đến nay không còn tài sản thế chấp; không thỏa mãn điều kiện được vay và khó tiếp cận nguồn hỗ trợ. Vì vậy, Chính phủ cần quan tâm khôi phục, hỗ trợ hình thành các quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa, giúp doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn hỗ trợ.

Tham gia góp ý, ĐB Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở KH-ĐT TPHCM, nhận xét, phần đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng cho Đông Nam bộ và ĐBSCL rất ít và đang kém phát triển so với các vùng miền khác trong cả nước. ĐB đề nghị cần cân đối đầu tư nhiều tuyến cao tốc ở Đông Nam bộ, Tây Nam bộ để hạ tầng khu vực này phát triển một cách tương đối hơn. 

ĐB Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM, đề nghị phải đẩy nhanh tiến độ thực hiện việc hỗ trợ, tốt nhất là tập trung vào 6 tháng đầu năm 2022 vì nhiều doanh nghiệp rất cần vốn và nhiều người lao động cần hỗ trợ để quay trở lại với công việc. ĐB cũng đề nghị cần rà soát, có chính sách hỗ trợ rõ ràng đối với nhân viên y tế bởi ngành này đã chịu tải lớn nhất trong 2 năm qua, nhân viên y tế cũng giảm do vừa mất, vừa nghỉ việc. 

Tại phiên thảo luận, các ĐB đặc biệt nhấn mạnh đến giải pháp về cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. ĐB Nguyễn Minh Hoàng đề nghị cần mạnh mẽ bỏ điều khoản cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn trong kinh doanh… Các giấy tờ này là tăng thêm thủ tục hành chính, lãng phí, tốn kém tiền của, tốn kém nhân sự, thậm chí gây ra tiêu cực, nhũng nhiễu trong việc cấp “giấy phép con”. ĐB Văn Thị Bạch Tuyết, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TPHCM, cho rằng, gắn với phục hồi và phát triển kinh tế, việc cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư là rất quan trọng, cần quyết liệt và rất cụ thể.

__________
Dành 6.600 tỷ đồng hỗ trợ tiền thuê nhà trọ cho người lao động

Tờ trình của Chính phủ đề nghị Quốc hội ban hành nghị quyết về giải pháp tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đã được Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng trình bày tại phiên họp toàn thể của Quốc hội khóa XV sáng 4-1.
Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ: Đảm bảo thiết thực, tránh dàn trải, phòng chống tham ô lãng phí ảnh 2 Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng
Theo đó, chương trình hướng đến mục tiêu khôi phục nhanh chuỗi sản xuất, cung ứng, lao động, thúc đẩy các động lực tăng trưởng, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng bình quân 6,5%-7%/năm giai đoạn 2021-2025, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn trong trung và dài hạn. Về các giải pháp tài khóa, tiền tệ cụ thể để hỗ trợ thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, dự thảo nêu rõ, tăng bội chi ngân sách nhà nước tối đa 240.000 tỷ đồng để hỗ trợ thực hiện chương trình. Bao gồm: miễn, giảm thuế, phí, lệ phí khoảng 64.000 tỷ đồng trong năm 2022, khoản chi đầu tư phát triển tối đa là 176.000 tỷ đồng. Việc triển khai tập trung chủ yếu trong 2 năm 2022-2023.
Đáng lưu ý, sử dụng 6.600 tỷ đồng từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2021 để hỗ trợ tiền thuê nhà trọ cho người lao động. Tăng hạn mức bảo lãnh Chính phủ đối với trái phiếu phát hành trong nước của Ngân hàng Chính sách xã hội tối đa 38.400 tỷ đồng để hỗ trợ giải quyết việc làm; học sinh, sinh viên; các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập; cá nhân vay mua, thuê mua nhà ở xã hội, xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở theo chính sách về nhà ở xã hội… 

Tin cùng chuyên mục