Theo các đại biểu HĐND TPHCM, nghị quyết mới cần kiến nghị Bộ Chính trị giao cho Quốc hội và TPHCM nghiên cứu xây dựng dự án Luật Đô thị đặc biệt; đồng thời TPHCM nên có cách tiếp cận nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54 theo hướng TPHCM không tự đặt mình vào vị trí đầu tàu kinh tế cả nước mà ngược lại, xem Trung ương “đặt hàng” gì đối với TPHCM như Trung ương đã đặt ra yêu cầu với Hà Nội khi ban hành Luật Thủ đô.
Sáng 16-8, HĐND TPHCM tổ chức hội nghị góp ý dự thảo báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết 16-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết 54/2017/QH14 của Quốc hội. Đồng chí Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM chủ trì hội nghị.
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: CAO THĂNG Tại hội nghị, các đại biểu đã đánh giá, góp ý cụ thể, khách quan đối với những thành tựu đạt được, những hạn chế, yếu kém, cũng như nguyên nhân chủ quan, khách quan, kinh nghiệm trong tổ chức thực hiện Nghị quyết 16 và Nghị quyết 54 tại TPHCM. Trong đó, các đại biểu cho rằng TPHCM cần xác định rõ một số nội dung quan trọng như tính chất “vì cả nước, cùng cả nước” của TPHCM để có cơ sở đề xuất những cơ chế đặc thù thực sự cho TPHCM; đồng thời cần làm sáng tỏ sự ủng hộ của các bộ, ngành Trung ương trong việc hỗ trợ TPHCM triển khai thực hiện các nội dung trong Nghị quyết 16 và Nghị quyết 54.
Các đại biểu cũng góp ý, tại nghị quyết mới, TPHCM phải đề xuất nêu rõ vai trò đầu tàu của TPHCM cũng như sự chủ động của các tỉnh thuộc Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Đồng thời, đánh giá kỹ hơn về cơ chế phân cấp ủy quyền, nhất là cơ chế thành phố ủy quyền cho cơ sở để có những kiến nghị cụ thể. Cùng với đó, nhận diện bài toán thực sự cần giải quyết, đó là bên cạnh việc Trung ương giao nội dung thì phải giao kèm theo quyền chủ động thực hiện cho TPHCM triển khai thực hiện. Trong nghị quyết mới cũng cần kiến nghị Bộ Chính trị giao cho Quốc hội và TPHCM nghiên cứu xây dựng dự án Luật Đô thị đặc biệt.
Phát biểu kết luận tại hội nghị, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ đánh giá cao ý kiến đóng góp của các đại biểu HĐND TPHCM đối với dự thảo báo cáo tổng kết Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 54 của Quốc hội.
Đồng chí Nguyễn Thị Lệ nhận xét, các đại biểu đã tập trung phân tích, làm rõ nguyên nhân, hạn chế, đặc biệt là thành quả TPHCM đã đạt được khi triển khai thực hiện các nghị quyết trên, cũng như góp ý đề xuất, bổ sung những nội dung vào nghị quyết mới.
Đồng chí cũng yêu cầu các đại biểu tiếp tục quan tâm nghiên cứu, góp ý để góp phần xây dựng báo cáo thêm hoàn thiện, có chất lượng, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố trước khi trình xin ý kiến của Bộ Chính trị và Chính phủ.
Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ đánh giá cao ý kiến đóng góp của các đại biểu đối với dự thảo. Ảnh: CAO THĂNG Trước đó, Tổ xây dựng Báo cáo tổng kết Nghị quyết số 16-NQ/TW gắn với Nghị quyết số 54/2017/QH14 đã tổ chức các cuộc lấy ý kiến dự thảo báo cáo qua quá trình xây dựng đề cương và chuẩn bị dự thảo báo cáo tổng kết. Trong đó, UBND TPHCM đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến chuyên gia, nhà khoa học và lấy ý kiến lãnh đạo Thành phố qua các thời kỳ. Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu, TPHCM có báo cáo tổng kết, tiếp tục đề xuất, kiến nghị với Bộ Chính trị, Quốc hội xem xét, ban hành nghị quyết về phương hướng, nhiệm vụ, cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tạo điều kiện cho TPHCM phát triển nhanh, bền vững, cùng cả nước, vì cả nước.
Đề cập đến Luật Thủ đô của Hà Nội, một số đại biểu cho rằng TPHCM nên có cách tiếp cận nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54 theo hướng TPHCM không tự đặt mình vào vị trí đầu tàu kinh tế cả nước, mà ngược lại, xem Trung ương “đặt hàng” gì đối với TPHCM như đã đặt ra yêu cầu với Hà Nội. Từ đó, thành phố bám vào những yêu cầu, cùng những cơ chế đặc thù để phát triển như mong muốn của Trung ương chứ không phải cơ chế xin - cho như hiện nay. |
MAI HOA - THU HƯỜNG