Phát biểu tại toạ đàm, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM nhận định, thị trường BĐS tại TPHCM vẫn đang nằm trong vùng "tối" và "xám". Tuy nhiên, vừa qua thị trường đã đón nhận tín hiệu tích cực khi Cục Thuế TPHCM đã giải quyết xong 15.800 hồ sơ tồn đọng của các cá nhân và hộ gia đình. Bên cạnh đó, Cục Thuế cũng đang nỗ lực xử lý các hồ sơ phát sinh mới.
Tuy nhiên, hiện tại vẫn tồn tại tình trạng các cá nhân và hộ gia đình khi nộp hồ sơ thuế thường bị Chi cục thuế quận, huyện trả lại do nghi ngờ kê khai giá trị giao dịch thấp hơn thực tế. Sự nghi ngờ này chưa hoàn toàn phù hợp vì trong nhiều trường hợp, bên bán có nhu cầu bán gấp nên chấp nhận giá rẻ hơn hoặc bên mua sẵn sàng trả giá cao hơn thị trường. Các bên giao dịch đã cung cấp đầy đủ chứng từ để chứng minh nhưng vẫn bị nghi ngờ. Do đó, cần có sự xem xét kỹ lưỡng hơn từ Cục Thuế TPHCM để hỗ trợ người dân một cách hiệu quả hơn.
Đánh giá về thị trường phía Nam, ông Võ Hồng Thắng, Phó Tổng giám đốc DKRA Group cho biết, mặc dù đất nền gia tăng thanh khoản nhưng nếu so với thời kỳ hoàng kim năm 2019 thì hiện tại mới chỉ đạt 30% mức giao dịch. Trong khi đó, thị trường BĐS nghỉ dưỡng vẫn còn nhiều khó khăn. Nguyên nhân chủ yếu là do tác động từ các cam kết lợi nhuận trước đây giữa chủ đầu tư và khách hàng bị đổ vỡ và những tranh chấp pháp lý liên quan. Vì vậy, phân khúc này cần thêm thời gian để khắc phục và ổn định trở lại.
Dự báo trong thời gian tới, với điều kiện kinh tế vĩ mô tích cực hơn, lãi suất cho vay hấp dẫn, thị trường có kỳ vọng phục hồi tốt hơn. Đất nền tại các khu vực có đầy đủ tiện ích, pháp lý rõ ràng và đất thổ cư vẫn sẽ là điểm sáng, thúc đẩy nguồn cung tăng trong quý 4-2024. Theo Ngân hàng Nhà nước, lượng tiền gửi tại các ngân hàng đang tăng cao, cho thấy một bộ phận lớn người dân vẫn giữ tiền mặt, chờ đợi cơ hội đầu tư phù hợp. Vì vậy, những vướng mắc pháp lý cần sớm được tháo gỡ để gia tăng nguồn cung cho thị trường.
Trong khi đó, Tiến sĩ Huỳnh Phước Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Kinh tế, Luật và Quản lý, thuộc Trường Kinh tế, Luật và Quản lý nhà nước - Đại học Kinh tế TPHCM phân tích rằng, khi điểm qua bức tranh kinh tế vĩ mô của Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2024, có thể thấy GDP đã tăng trưởng vượt kế hoạch. Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn dựa vào mô hình truyền thống, tập trung vào phát triển đô thị công nghiệp, tăng xuất khẩu và thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Trong bối cảnh hiện tại, các doanh nghiệp trong lĩnh vực BĐS cần có sự thích ứng linh hoạt. Hiện nay, có 6 mô hình chủ đầu tư chính trong phát triển BĐS. Với khung pháp lý mới, nhiều doanh nghiệp phải tái cấu trúc mô hình kinh doanh, điều chỉnh chiến lược và định hướng phát triển dài hạn. Một số dòng sản phẩm cũng cần thay đổi theo hướng đầu tư mới phù hợp với sự biến động của thị trường.