Ai giật dây?
Tình báo Áo bắt giữ viên đại tá 70 tuổi này vì nghi ngờ đã cung cấp các thông tin mật liên quan tới hệ thống máy bay quân đội và tình hình người nhập cư của Áo cho Nga hơn 20 năm qua để nhận 300.000 EUR từ Nga.
Thủ tướng Sebatstian Kurz tỏ ý phản đối các hoạt động gián điệp và cho rằng nó không thể chấp nhận được và đề nghị cần làm sáng tỏ. Khi được hỏi về ảnh hưởng của vụ việc tới quan hệ với Nga, ông S.Kurz cho biết cần phải tham vấn các nhà lãnh đạo châu Âu. Tuy nhiên ông nhấn mạnh nếu hành vi của vị đại tá được chứng minh là sự thật, nó sẽ không giúp cải thiện mối quan hệ giữa Nga và Liên minh châu Âu (EU).
Ngay sau đó, Ngoại trưởng Áo, Karin Kneissl đã triệu tập Đại biện Lâm thời Đại sứ quán Nga tại Vienna, đề nghị phía Nga giải thích rõ ràng về sự việc. Bà Kneissl cũng quyết định hủy chuyến thăm Nga vào đầu tháng 12 - dự kiến thảo luận về việc hình thành Diễn đàn Dân sự Áo - Nga mang tên Đối thoại Sochi. Bộ trưởng Quốc phòng Áo Mario Kunasek còn tiết lộ rằng tình báo Nga đã cung cấp cho vị đại tá nhiều thiết bị liên lạc vô tuyến mã hóa. Người này bị các nhà chức trách phát hiện nhờ sự “hợp tác quốc tế”.
Nga lập tức lên tiếng phản đối. Tuyên bố đăng tải trên trang web của Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh, cáo buộc trên của Áo gây tổn hại cho mối quan hệ tích cực kéo dài nhiều năm qua giữa Nga và Áo và nó dựa trên sự đồn đoán thay vì có bằng chứng thực tế. Bộ Ngoại giao Nga cũng cho biết đã triệu Đại sứ Áo tại Nga Johannes Aigner tới để phản đối về vụ việc ngoại giao trên. Trong khi đó, hãng tin Sputnik dẫn lời ông Fyodor Lukyanov, Tổng biên tập Tạp chí Nước Nga trong nền chính trị toàn cầu, nhận định vụ bê bối gián điệp giữa Nga và Áo có các nước thứ 3 dính vào: “Trên thực tế, Bộ trưởng Quốc phòng Áo cho biết cơ quan tình báo nước ngoài đã giúp họ phát hiện vụ này”.
Chiến thuật cũ kỹ
Tờ Rusia Today dẫn lời Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov chỉ trích chính sách “ngoại giao loa phát thanh” của phương Tây sau khi Áo tuyên bố bắt giữ cựu sĩ quan quân đội với cáo buộc làm gián điệp cho Nga. Ông S.Lavrov cho rằng đây là một chiến thuật cũ kỹ với Moscow: phương Tây đang sử dụng bộ máy truyền thông khổng lồ để công khai đổ lỗi cho Nga vì những vấn đề mà “nước Nga không hề biết gì”. Phía Nga cũng đã thông báo với Đại sứ Áo Johannes Aigner rằng, Nga cảm thấy khó hiểu khi một đối tác như Áo lại không thảo luận vấn đề trực tiếp với Nga thông qua các kênh ngoại giao mà viện đến phương thức đưa thông tin giả mạo giật gân cho giới truyền thông và công khai yêu cầu Nga giải thích lý do.
Theo chuyên gia Nga F.Lukyanov, quan hệ giữa Áo và Nga khá đặc biệt, nhất là dưới thời Thủ tướng S.Kurtz, khiến Mỹ và nhiều người ở châu Âu không hài lòng, bởi vì ông S.Kurtz là người duy nhất, cũng như Áo là nước duy nhất ở phương Tây không trừng phạt Nga dưới mọi hình thức, không trục xuất hàng loạt trong vụ điệp viên Skripal.
“Vụ phát hiện này đặt ban lãnh đạo Áo vào tình cảnh khó xử, không thể không phản ứng”. Điều này sẽ ảnh hưởng đến quan hệ song phương. Tôi nghĩ rằng, ít nhất, động lực tích cực đã được tích lũy gần đây giữa 2 nước sẽ chậm lại. Lãnh đạo Áo sẽ phải tạm dừng và thể hiện tất cả thái độ chính thức của mình - ông Lukyanov nhận định.