Tuổi thơ buồn của đứa trẻ “sao chổi”
21 năm về trước, tại ngôi làng K’Brạ thuộc xã Tân Nghĩa, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng, có một đứa trẻ bị coi là “sao chổi” từ khi mới sinh ra. Chỉ vì một lời phán của thầy mo mà đứa trẻ ấy bị cả làng xa lánh. Ít lâu sau, nỗi đau ập đến với gia đình khi mẹ của Ka Xuân qua đời vì bệnh nặng do ngày đó ở xã miền núi xa xôi, y tế còn chưa phát triển. Thế nhưng, người ta lại tin rằng chính đứa trẻ này là nguồn cơn của tai họa. Ka Xuân cứ thế lớn lên cùng lời trêu chọc, không ai dám làm bạn. Chỉ có điều, khi kể về những ngày tháng đó, Ka Xuân vẫn lạc quan vì “lại có nhiều kỷ niệm bên các anh chị em trong nhà”.
Nhà có 7 anh chị em, bố là trụ cột chính nhưng không mấy quan tâm chuyện học của các con. Ngày đó ở thôn, đến khoảng 14 tuổi là trai gái trong làng đều lập gia đình. Bố Ka Xuân cũng bị ảnh hưởng, ông cho rằng dù sao sau này cũng sẽ về lấy chồng làm nông, học cao cũng chẳng để làm gì. Đến lớp 12, trường bắt đầu tổ chức học 2 buổi, học phí tăng gấp 3-4 lần, khó khăn càng chồng chất. Ngay từ hè trước khi bước vào lớp 12, Ka Xuân bắt đầu đi làm thêm tại một quán phở. Ngoài ra, nếu chỗ nhà nghỉ gần nhà cần tiếp tân, Xuân cũng đi làm để kiếm tiền. Tuy nhiên, ở quê cũng ít công việc làm thêm kiểu như vậy, nên nhiều lúc cô không tìm được việc, tưởng chừng phải bỏ học.
Vì hoàn cảnh, sau khi tốt nghiệp năm 2021, Ka Xuân không thi đại học mà đi làm rẫy cà phê, rồi một mình xuống Củ Chi thuê trọ và làm công nhân. Công việc vất vả khiến cô gái trẻ gần như kiệt sức. Có lần, chị gái của Ka Xuân hỏi, muốn đi học tiếp không, Xuân đắn đo lắm, nhưng biết chị cũng gặp nhiều khó khăn nên cô đành từ chối, dù trong lòng vẫn khát khao ước mơ đến trường.
Hành trình theo đuổi con chữ, ước mơ
Ka Xuân vẫn nhớ rõ ngày 3-12-2022, Xuân quyết định nghỉ làm sau khoảng thời gian trăn trở về tương lai khi “các công ty đa phần chỉ tuyển công nhân từ 18-40 tuổi, sau đó mình sẽ làm gì để sống”. Với số tiền dành dụm được qua thời gian làm công nhân, cùng lời khuyên của chị, Xuân dồn sức vào việc học. Thời gian không có nhiều, chỉ còn vỏn vẹn 3 tháng để học lại các kiến thức đã quên cũng như ôn thi đại học. Ka Xuân chia sẻ: “Em đã bỏ ra 3 tháng không đi làm, không kiếm được tiền, để dồn sức ôn thi. Vì vậy, em quyết tâm phải thi được điểm cao, phải đậu đại học ngay lần thi đầu, bởi nếu không, em sẽ lại phải đi làm kiếm sống, khó có cơ hội để thi lần nữa”.
Nỗ lực được đền đáp khi cô đạt 26,5 điểm trong kỳ thi năm đó. Riêng môn Lịch sử, Ka Xuân đạt điểm tuyệt đối. Ka Xuân đậu vào Trường Đại học KHXH-NV, Đại học Quốc gia TPHCM, ngành Công tác xã hội. Nói về lý do chọn ngành học này, Ka Xuân cho biết: “Em từng trải qua khó khăn nên không muốn thấy bản sao quá khứ của mình nữa. Em muốn mang những kiến thức mình học được giúp cho các bạn nhỏ và người dân khó khăn”.
Lên đại học, Ka Xuân bắt đầu theo đuổi đam mê từ ngày trước. Hồi đó, Ka Xuân nổi bật với khả năng đàn, hát rất hay. Xuân kể, khoảng thời gian sau cấp 3, cô nhiều lần tâm sự với chị gái về mong muốn được học âm nhạc. Nhưng do điều kiện không cho phép, Xuân đành tạm gác lại ước mơ. Lên đại học, cô mới mạnh dạn đăng ký vào Câu lạc bộ Guitar của trường và tham gia các buổi biểu diễn.
Xuân kể bằng ánh mắt sung sướng, hầu như hoạt động văn nghệ nào của trường cũng có mặt cô. Sắp tới đây, bên cạnh duy trì thành tích học tập, Ka Xuân có dự định sẽ mở lớp dạy đàn cho những bạn có chung niềm yêu thích. Đối với Ka Xuân, âm nhạc có thể chữa lành trái tim như cách Xuân từng nhờ vào tiếng đàn, tiếng hát để vượt qua những năm tháng tuổi thơ u buồn. Một hành trình mới đã mở ra với cô gái chết danh “sao chổi” ngày nào, một hành trình ghi dấu những nỗ lực với nhiều mộng ước và hy vọng vào một tương lai mới, tốt đẹp hơn.